Thời gian gần đây, TAND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán giữa nguyên đơn là các hộ dân trồng mía và bị đơn là Công ty Cổ Phần Thành Thành Công - Biên Hoà (Công ty).
Hai bên từng có nhiều năm hợp tác với nhau trong ngành mía đường ở tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, cũng sau nhiều năm không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề giá cả nên hàng chục hộ dân đã khởi kiện ra toà.
Thua lỗ cả tỉ đồng
Ông Nguyễn Lý Luận (sinh năm 1960) đại diện cho các hộ dân cho biết vào vụ mía năm (2017-2018), (2018-2019), (2019-2020) các hộ dân ký hợp đồng với Nhà máy mía đường Thành Thành Công - Biên Hoà với thời gian ba năm.
Hợp đồng hai bên ký kết có nội dung Công ty sẽ tạm ứng một phần vốn cho nông dân để người dân trồng mía. Trong hợp đồng thể hiện phía Công ty cam kết thu mua tại ruộng không thấp hơn 900.000 đồng/tấn và tỉ lệ tạp chất không quá 3%, trường hợp vượt quá 3% thì sẽ bị trừ phần vượt vào trọng lượng mía.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng người dân chỉ được Công ty thu mua mía với giá 900.000 đồng/tấn trong vụ đầu (2017-2018). Từ vụ thứ hai trở đi Công ty đã thông báo điều chỉnh giá thu mua chỉ còn 700.000 đồng/tấn (giảm 200.000 đồng/tấn).
Việc điều chỉnh giá thu mua này dẫn đến hệ quả người dân trồng mía lao đao, nhiều hộ dân đã phá sản, ít thì thua lỗ vài trăm triệu, nhiều thì lỗ hàng tỉ đồng. Từ đó, các hộ dân khởi kiện ra toà để yêu cầu bồi thường khoản tiền chênh lệch.
Ông Luận cho biết, người dân chỉ biết quan tâm đến giá trong hợp đồng gốc ban đầu rồi yên tâm trồng mía. Trong các vụ mía tiếp theo, Công ty đưa các phụ lục hợp đồng tưởng là giá vẫn như cũ chỉ thay đổi năm nên đã ký và mà không xem xét kỹ.
"Trong quá trình giải quyết vụ án một số người dân đã chấp nhận thoả thuận khi nhận một phần tiền mà Công ty hỗ trợ, phần còn lại người dân không chịu, quyết theo vụ kiện đến cùng nhưng đều bị toà bác yêu cầu khởi kiện. Hiện vẫn còn nhiều vụ án toà đang trong quá trình giải quyết"- ông Luận nói.
Về phía Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh, Ông Nguyễn Đăng Thuận, phó Chủ tịch Hội, cho biết Hội đã rất nhiều lần làm việc với Công ty, với Sở NN&PTNT, các Sở ngành khác để đàm phán, đóng góp ý kiến và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho người dân nhưng không thành công.
Về giá thu mua mía, người dân không hiểu vì sao lại điều chỉnh thấp hơn trên hợp đồng gốc, người dân chỉ biết trồng mía và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, không để ý đến các điều khoản của phụ lục hợp đồng.
"Trong các buổi làm việc với các Sở, ban, ngành, nội dung về giá đã được Sở Tài chính yêu cầu trong trường hợp hai bên không thống nhất về giá thu mua mía thì đề nghị Hội lập hồ sơ phương án giá để tổ chức hiệp thương về giá theo quy định nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung", ông Thuận cho biết.
Quan điểm của tòa án
Về phía Công ty, trong các bản án đã tuyên và trình bày tại toà trong các vụ án đang giải quyết, đơn vị này cho biết trong hợp đồng đã nêu rõ sau mỗi niên vụ tuỳ vào tình hình công nợ của hai bên, chính sách giá của Công ty mà Công ty sẽ quyết định việc ký phụ lục hợp đồng cho niên vụ tiếp theo.
Mía là loại cây đặc thù có lưu gốc, chu kỳ thường ba vụ nên sau mỗi vụ căn cứ vào diện tích trồng mía của từng hộ dân mà Công ty quyết định có ký phụ lục hợp đồng hay không và giá mía sẽ được Công ty điều chỉnh theo từng thời điểm theo chính sách giá do Công ty ban hành.
Do đó, đối với các vụ 2018-2019 và 2019-2020 Công ty đã thực hiện thông báo điều chỉnh giá và thông báo đến người dân là đang thực hiện đúng theo hợp đồng hai bên đã ký và các phụ lục kèm theo.
Về vấn đề điều chỉnh giá mía, HĐXX TAND huyện Tân Châu nhận định khi Công ty ký các hợp đồng điều chỉnh lại giá mía thì người dân đã ký và thể hiện thống nhất giá mía điều chỉnh nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Đáng chú ý, cũng liên quan đến vụ kiện đòi phần tiền chênh lệch giá thu mua mía thì vào tháng 9-2023, TAND TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hà Thị Nghiên (người dân trồng mía).
Theo HĐXX, các thông báo điều chỉnh giá thu mua mía chỉ có Công ty đơn phương ký thông báo, không thông báo cho bà Nghiên biết giá thu mua. Cạnh đó, nguyên đơn xác nhận không nhận được các thông báo, phía Công ty cũng không chứng minh được việc đã thông báo giá thu mua mía đến người dân nên các thông báo điều chỉnh giá này không có giá trị pháp lý. Do vậy căn cứ vào hợp đồng ban đầu hai bên ký kết mức giá thu mua 900.000 đồng/tấn là phù hợp.
Tuy nhiên, bản án này đã bị kháng cáo, xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Tây Ninh đã bác yêu cầu của người dân.
Trước khi ký hợp đồng luôn luôn phải học kỹ
Đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng mua bán nên việc giải quyết vụ án sẽ dựa trên thoả thuận giữa hai bên đã giao kết trong hợp đồng và các phụ lục hợp đồng kèm theo.
Điều 403 Bộ luật dân sự 2015 quy định phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng, nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Vì vậy, khi các hộ dân khi ký kết hợp đồng và các phụ lục hợp đồng trong các vụ mía tiếp theo đã chấp nhận theo các điều khoản nên phải thực hiện theo thoả thuận đã ký.
Tuy nhiên, khi giải quyết HĐXX cũng cần xem xét cân nhắc để có một bản án hợp tình hợp lý vì đây là các hợp đồng mẫu, người dân không được quyền chỉnh sửa hợp đồng, cộng thêm hiểu biết pháp luật hạn chế chỉ biết canh tác sản xuất để cung cấp nguyên liệu mía cho nhà máy không đủ khả năng để đánh giá được các điều khoản trong hợp đồng.
Qua chuyện này, bất kỳ ai cũng cần lưu ý, khi ký hợp đồng bất kể là giao kết loại hợp đồng nào cũng cần phải đọc kỹ các điều khoản (có thể nhờ người am hiểu pháp luật xem giúp) trước khi đặt bút ký.
Đối với các trường hợp ký hợp đồng mẫu thì hợp đồng chính khó có thể sửa đổi nhưng khi ký các phụ lục hợp đồng kèm theo cũng cần yêu cầu đối tác giải thích rõ các điều khoản trước khi ký để tránh hậu quả pháp lý bất lợi sau này.
Luật sư LÊ VIẾT KỲ, Đoàn Luật sư TP.HCM