Từ chối tiêm vaccine: Phạt được nhưng…

4 giờ sáng, đồng hồ báo thức, tôi tỉnh giấc và bắt đầu một ngày mới. Sài Gòn vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Cái nhộn nhịp thường ngày của Sài Gòn đang nhường chỗ cho sự lắng đọng, thể như cơ thể một con người đang cần thời gian tịnh dưỡng sau những ngày căng mình làm việc.

Lo bị xử phạt vì trì hoãn tiêm vaccine

Lướt điện thoại một vòng, tôi thấy Zalo anh bạn làm bên lĩnh vực xây dựng hiện lên dòng trạng thái: “Ngày xưa mơ ước thật nhiều/ Giờ đây chỉ ước hai liều vaccine”.

Là một người xù xì, ít cảm xúc, chỉ lo làm việc và không quan tâm đến nghệ thuật, ấy thế mà hôm nay anh bạn mình đột nhiên thơ phú quá. Nhắn tin tâm sự, anh chia sẻ vừa thực hiện được một nửa giấc mơ (được tiêm một liều vaccine). Giờ đây, anh đã tạm yên tâm về cơ chế phòng bệnh. Thế nhưng, anh vẫn lo lắng cho chị gái vì chưa được tiêm vaccine.

Muốn xóa bỏ định kiến nào đó về vaccine, rất cần những cách thức khác nhau nhưng nhất thiết không phải là dành sự ưu tiên cho biện pháp xử phạt, cưỡng chế. Ảnh: HOÀNG GIANG

 Anh kể mặc dù chị gái anh đã có tên trong danh sách tiêm phòng nhưng thời điểm tiêm lại bị huyết áp cao. Do đó, việc tiêm ngừa đành phải hoãn lại. Mấy hôm nay, nghe báo chí đăng tin việc trì hoãn không sử dụng vaccine sẽ bị xử phạt nên cả anh và chị gái đều lo lắng.

Anh thì lo cho chị gái chưa được tiêm phòng. Chị gái anh lại lo bản thân trì hoãn việc tiêm sẽ bị xử phạt. Người có bệnh cao huyết áp cứ càng lo lắng thì càng mất ngủ, mà càng mất ngủ thì lại càng làm cho huyết áp cao hơn. Trong cái vòng luẩn quẩn đó, cả hai chị em đều có những nỗi lo riêng.

Tôi trấn an anh. Việc trì hoãn tiêm phòng của chị gái anh hoàn toàn không bị xử phạt bởi đây là lý do khách quan. Nhân viên y tế không tiêm cho chị gái anh bởi phòng bệnh tuy quan trọng nhưng sau tất cả, mạng sống con người là quan trọng hơn hết. Việc xử phạt (nếu có) cũng chỉ vì mục đích cao nhất là bảo vệ mạng sống của con người.

Chờ văn bản mới của Bộ Y tế mới phạt được

Chưa bao giờ con người ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine như hiện nay. Có thể nói, tiêm vaccine được xem là giải pháp tốt nhất nhằm đưa đất nước trở lại tình trạng bình thường mới.

Theo khoản 10 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì vaccine chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh. Điều 27 luật này quy định vaccine được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc. Theo đó, mọi người đều có quyền sử dụng vaccine theo hình thức tự nguyện.

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định hai trường hợp sử dụng vaccine bắt buộc là người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch” và “trẻ em, phụ nữ có thai đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Theo Quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18-6-2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 thì phụ nữ mang thai thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Hiện nay, các loại vaccine được cấp phép ở nước ta chỉ áp dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, có thể khẳng định trẻ em, phụ nữ có thai không thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tiêm vaccine.

Đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch” thì thuộc diện bắt buộc phải tiêm vaccine. Nếu cá nhân thuộc nhóm đối tượng này mà không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Tuy nhiên, muốn xử phạt thì trước hết bộ trưởng Bộ Y tế phải ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine.

Hiện nay, bộ trưởng Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định COVID-19 là bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine. Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn dựa trên sự tự nguyện của cá nhân chứ không mang tính bắt buộc. Thực tế là cho đến hôm nay, chưa có bất kỳ cơ quan nào xử phạt cá nhân vì lý do không tiêm vaccine.

Trong tương lai, khi bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định COVID-19 là bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine thì việc từ chối tiêm vaccine mới bị xử phạt.

Tuyên truyền mạnh về sự cần thiết của vaccine

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng xử phạt tuy cần thiết nhưng cũng chỉ là một giải pháp không mong muốn.

Con người với sự thông minh, sáng tạo của mình vẫn có hàng trăm cách “lách” các quy định xử phạt nếu họ cho rằng lợi ích của việc tiêm chủng không lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine gây ra. Do đó, vấn đề quan trọng là khơi thông sự tắc nghẽn trong suy nghĩ của con người về giá trị phòng bệnh của vaccine.

Trong bối cảnh đó, vai trò của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều so với việc xử phạt.

Dịch bệnh rồi sẽ được khống chế. Cuộc sống sẽ trở lại tấp nập, sầm uất và tràn ngập tiếng cười. Tuy nhiên, lo ngại về vaccine vẫn theo nếp cũ nếu như con người mãi nhận định tiêu cực về giá trị phòng bệnh của vaccine. Muốn xóa bỏ định kiến này, rất cần những cách thức khác nhau nhưng nhất thiết không phải là dành sự ưu tiên cho biện pháp cưỡng chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới