Theo đó, qua báo cáo của Sở GTVT tỉnh Cà Mau, về nguyên tắc có thể xác định tuổi thọ còn lại của công trình đang khai thác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, công tác quản lý chất lượng từ khâu thiết kế, thi công đến việc bảo trì do nhà đầu tư thực hiện còn khá nhiều tồn tại, chưa tuân thủ theo quy định. Vì vậy việc xác định tuổi thọ của công trình trên rất khó khăn và phức tạp, chi phí thực hiện cao trong khi công trình có quy mô và tổng mức đầu tư nhỏ. Với các lý do nêu trên, đơn vị tư vấn từ chối thực hiện việc xác định tuổi thọ cầu Rạch Ráng.
Trước đó, người dân huyện Trần Văn Thời bức xúc trước việc mập mờ về thời gian thu phí cầu Rạch Ráng nên đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau. Trả lời, UBND tỉnh Cà Mau lý giải do mục tiêu của dự án phục vụ dân sinh nên hình thức đầu tư của dự án được áp dụng theo hình thức cầu dân sinh. Vì vậy, nhà đầu tư được thực hiện thu phí theo thời gian tuổi thọ của cầu.
Như Pháp Luật TP.HCMsố ra ngày 22-10 phản ánh qua bài “Chuyện lạ Cà Mau: Xây cầu xong... thu phí vô thời hạn”, cầu Rạch Ráng có chiều dài hơn 100 m, tải trọng 3,5 tấn, tổng mức đầu tư khoảng 15 tỉ đồng, được xây dựng theo hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư. Cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 7-2010, có thời gian thu phí được tính theo thời gian tuổi thọ công trình. Điều này đồng nghĩa khi nào cầu hư hỏng thì mới ngừng việc thu phí.