Sáng 20-9, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM tổ chức Hội thảo “Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại TP.HCM".
Làm sao các trường tự chủ thực sự
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho biết sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, mô hình quản trị đại học đã có chuyển biến mạnh mẽ, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học đã được tăng cường. Các trường đại học tự chủ đã có sự bứt phá mạnh mẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Cụ thể, hội đồng trường đã phát huy quyền lực của mình. Trường đã áp dụng được chính sách đãi ngộ tốt hơn để thu hút nhân sự có trình độ cao; đa dạng hoá chương trình đào tạo, đổi mới các phương thức đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.
“Tuy nhiên, có thể thấy quá trình thực hiện tự chủ trong thời gian vừa qua không hẳn suôn sẻ bởi chúng ta phải đối mặt với bất cập nhất là cơ chế và khung pháp lý” - ông Khánh nói.
Ông Khánh dẫn chứng hoạt động tự chủ của các trường hiện nay chịu sự chi phối của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Nhưng bên cạnh đó việc tuyển dụng viên chức phải tuân theo luật viên chức theo Nghị định 115 và Nghị định 120. Như vậy quy định tự chủ về cơ cấu bộ máy của trường bị giới hạn trong một mức độ nhất định và gây khó trong tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, việc đấu thầu, mua sắm tài sản công phải thực hiện cả luật đấu thầu và luật đầu tư công. Vì thế, so với các trường đại học ngoài công lập thì các trường công lập rất khó để tự chủ trong các quyết sách chẳng hạn như quy định liên quan đến mua sắm, ký các hợp đồng liên quan đến marketing. Song song đó việc tuyển dụng, bổ nhiệm lại vướng tới các quy định liên quan đến quy hoạch.
Đặc biệt về ngân sách, ngay khi các trường đại học được ra quyết định tự chủ thì lập tức bị cắt ngân sách chi thường xuyên trong khi đó đến tháng 9 năm đó mới được thu học phí với lứa sinh viên mới. Như vậy trong khoảng thời gian 9 tháng nếu trường không có nguồn lực mạnh như trước sẽ gặp khó khăn trong cân đối thu chi, chưa kể đối với các trường tự chủ nhóm 2 thì nguyên tắc nhà nước vẫn còn cấp ngân sách đầu tư thế nhưng những năm gần đây sau khi tự chủ, ngân sách nhà nước cấp cũng có những dấu hiệu bị gián đoạn.
Vì vậy ông Khánh kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới chủ trương, khung pháp lý không chỉ dừng lại ở luật, còn văn bản dưới luật.. Tự chủ khung pháp lý phải cho phép các trường đại học có đầy đủ quyền tự chủ trong việc quyết định bộ máy, không những tự chủ bộ máy mà cao hơn tự chủ về lựa chọn, bộ nhiệm, miễn nhiệm. Mặt khác, các trường phải được tự chủ về tài chính nghĩa là có quyền quyết định toàn bộ vấn đề tài chính của mình theo khung chung của luật.
Ngoài ra, các trường phải được tự chủ về nhân sự bao gồm cả tuyển dụng, trả lương, sa thải và bổ nhiệm. Hiện nay khi đã tự chủ rồi tuy nhiên việc sa thải nhân viên không làm được việc vẫn không khác bao nhiêu so với trường chưa tự chủ.
“Cuối cùng vấn đề tự chủ về học thuật cần chú trọng. Nếu như giáo dục đại học không có sự tự do tự chủ về học thuật thì đó không phải giáo dục đại học. Cho nên chúng tôi mong muốn quyền tự chủ về học thuật của các trường đại học phải cao bao gồm tự chủ toàn vẹn về vấn đề tuyển sinh, xác định, chỉ tiêu, chương trình đào tạo, phương thức tổ chức giảng dạy. Tự chủ đem lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đem lại nhiều thách thức cho nên các trường đại học trong quá trình chuyển đổi tự chủ, cần gắn liền đổi mới trong quản trị đại học”- ông Khánh nói thêm.
Bất cập về quy định 'tuyển sinh vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị phạt'
Tại hội nghị một vấn đề được Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM nêu ra chính là bất cập trong quy định tuyển sinh hiện nay.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018), trừ khối ngành Sư phạm, các trường đại học được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công khai với xã hội. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo năng lực đào tạo và không được tuyển vượt 3% chỉ tiêu đã đề ra.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lý cho biết nhiều trường vì không thể kiểm soát được tỉ lệ thí sinh ảo nên buộc phải tuyển vượt chỉ tiêu để trừ hao. Bởi nếu tuyển bổ sung sẽ không có nguồn tuyển. Con số trên 100 trường đại học, chiếm 30% số trường trên cả nước vi phạm quy định trên đã cho thấy sự bất cập đó. Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan đến vấn đề này.
Ông lý dẫn chứng tại Trường đại học Nông Lâm TP.HCM có nhiều ngành học lấy điểm chuẩn rất cao cụ thể ngành thú y 27,7 điểm chuẩn theo học bạ, 26,5 điểm phương thức tốt nghiệp. Tuy vậy, trường bị xử phạt do tuyển vượt chỉ tiêu.
Mặt khác, đối với khối ngành sư phạm, hiện nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng. Tuy nhiên với chỉ tiêu được giao nếu tuyển sinh không đạt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực nhưng nếu vượt chỉ tiêu lại bị xử phạt. Do đó, cần phải xem xét lại các con số, định mức vi phạm.
“Những nghị định thông tư hướng dẫn đã qua 10 năm không còn phù hợp thì nên cập nhật lại và có những điều chỉnh phù hợp cụ thể như quy định trên. Thay vì xử phạt nên xem xét vào năng lực đào tạo của các trường- ông Lý nói.