Thiếu giáo viên, vướng tự chủ đại học trước năm học mới

(PLO)- Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển dù đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi; tự chủ đại học gặp thách thức… là những vấn đề được các địa phương đề cập tại hội nghị tổng kết năm học chiều 18-8.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: MINH TRÚC

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: MINH TRÚC

Cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, dù đã được tuyển mới hơn 17.000 người, cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên (GV), chủ yếu ở bậc mầm non. Số GV thiếu tăng thêm hơn 11.000 người so với năm ngoái.

Nguyên nhân được bộ đưa ra là do số trẻ mầm non tăng, tỉ lệ học hai buổi/ngày của học sinh tiểu học cũng tăng. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 19.300 GV công lập nghỉ hưu và nghỉ việc. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu GV chưa sát và không theo kịp với thực tế. Mặt khác, việc tuyển dụng GV còn nhiều bất cập, chưa kịp thời và thiếu cơ chế thu hút.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết tổng số GV của tỉnh mới chỉ đạt 86,5% so với định mức. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm hai đợt với tổng chỉ tiêu là 2.532 người. Tuy nhiên, con số đăng ký chỉ có 1.359 người, chiếm 53,7%; số trúng tuyển là 726 người, chiếm 53,4%, chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được tuyển. Đặc biệt là GV tiếng Anh, tin học thu hút lên vùng cao, dù tuyển mới với mức 100 triệu đồng/trường hợp nhưng không có ai tham gia.

Từ thực tế trên, ông Duy đề xuất được tuyển GV dưới chuẩn, bởi hiện nay tại tỉnh Yên Bái có khoảng 200 cử nhân cao đẳng sư phạm nhưng theo Luật Giáo dục, GV tiểu học, THCS phải có bằng đại học (ĐH) trở lên nên không thể tuyển dụng. “Kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển cử nhân cao đẳng về dạy tiểu học, THCS, sau đó tỉnh sẽ dùng ngân sách nhà nước để nâng chuẩn trong 3-5 năm. Việc này sẽ giúp địa phương gỡ khó thiếu GV, đồng thời không lãng phí nguồn lực” - ông Duy nói thêm.

Dù đã được tuyển mới hơn 17.000 người nhưng cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết địa phương này thiếu 800 GV, nhiều nhất là ở bậc mầm non. Từ đó, bà Ngọc kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ GV công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể như chính sách thu hút nhân lực, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề, hoàn thiện đồng bộ chính sách tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo cử tuyển, đào tạo theo Nghị định 116 là người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.

Ngành giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị và sẽ lĩnh hội, quán triệt, triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trước thềm năm học mới, bộ trưởng đề nghị mỗi nhà giáo tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục Việt Nam vươn lên, xứng đáng với sự quan tâm, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của toàn thể nhân dân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
NGUYỄN KIM SƠN

Gỡ vướng tự chủ đại học

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hành trình tự chủ ĐH trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tích cực. Điều đó được thể hiện qua số lượng công bố quốc tế tăng nhanh; số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên, số trường ĐH trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp năm thách thức lớn. Ảnh: moet.gov.vn

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp năm thách thức lớn. Ảnh: moet.gov.vn

Dẫn chứng thêm về vấn đề trên, ông Quân cho biết tại ĐH Quốc gia TP.HCM có sáu trường thành viên đã thực hiện tự chủ ĐH; ĐH Quốc gia TP.HCM nằm trong top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới…

Tuy nhiên, cũng theo ông Quân, quá trình thực hiện tự chủ ĐH đang gặp phải năm thách thức lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính. Cụ thể, nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí, chính sách cho sinh viên vay còn hạn chế, một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi ít sinh viên chọn ngành khoa học và thách thức lớn nhất chính là niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

Trước thực tế trên, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nêu ra ba kiến nghị. Thứ nhất, phải tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH. Cụ thể, Nhà nước phải có lộ trình điều tiết ngân sách theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi các trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Thứ hai, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, điều chỉnh mức vay. Và cuối cùng là tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng tự chủ ĐH tại nước ta đã được thử nghiệm và thực hiện từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều ĐH tự chủ, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng chưa mấy suôn sẻ. “Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phải có đánh giá thật cẩn thận về tự chủ ĐH để đúng với tự chủ nhưng còn những mặt chưa được cần phải giải quyết” - bà Doan nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Nhanh chóng tăng phụ cấp cho giáo viên

Bộ GD&ĐT nhanh chóng xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ với đội ngũ GV phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ GV vùng sâu, vùng xa, GV mầm non. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện chính sách tăng phụ cấp cho GV. Đáng lẽ phụ cấp của GV phải được thực hiện cùng với phụ cấp của ngành y tế. Bên cạnh đó, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn.

Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương rà soát tình hình tuyển dụng biên chế GV, bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026 đảm bảo nguyên tắc có học sinh phải có GV đứng lớp nhưng phải phù hợp. Các địa phương làm tốt đề án quy hoạch và không để lãng phí.

Các địa phương chú trọng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương tăng thu, giảm chi nên dành cho GD&ĐT. Các địa phương phải có chiến lược, đề án, dự án để dành cho giáo dục…

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH

Xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền

Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết trong năm 2021 biên chế của ngành giáo dục là 1.375.715 người, trong đó ở trung ương là 50.699 biên chế, ở địa phương là 1.328.016 biên chế.

Biên chế được giao bổ sung trong năm 2022-2023 là 27.850 biên chế.

Theo ông Cường, hiện Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Hiện nay, nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu GV giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, nhiều nơi không thể tuyển dụng GV theo biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm