Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: 5 thách thức với tự chủ đại học

(PLO)- Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp năm thách thức lớn, từ đó kiến nghị Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học từ cơ sở vật chất đến con người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.

Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: MINH TRÚC

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: MINH TRÚC

Trình bày tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, hành trình tự chủ đại học trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chất lượng đào tạo.

Kết quả này phản ánh thông qua bba minh chứng: Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh; số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên; số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp 5 thách thức lớn. Ảnh: moet.gov.vn
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp 5 thách thức lớn. Ảnh: moet.gov.vn

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp năm thách thức lớn. Đó là nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ; mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học riêng.

Trước thực tế trên, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nêu 3 kiến nghị. Thứ nhất, phải tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học từ cơ sở vật chất đến con người.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học, chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.

Thứ hai, về chính sách tín dụng cho sinh viên vay. Ông Quân đề xuất một số giải pháp cụ thể, như mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay.

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Cuối cùng, ông Quân đề xuất cần tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu. Theo đó, giáo dục vẫn cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Việc này giúp chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu".

Theo ông Quân, các ngành được đặt hàng đào tạo gồm: các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Khoa học xã hội, nhóm ngành Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông - Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm