Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Một năm học đầy thách thức

(PLO)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chúng ta đã trải qua một năm học đầy thách thức nhưng đã đạt được những kết quả tích cực. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 18-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Hội nghị tổng kết năm học được Bộ GD&ĐT tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến 63 tỉnh/thành. Ảnh: MINH TRÚC

Hội nghị tổng kết năm học được Bộ GD&ĐT tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến 63 tỉnh/thành. Ảnh: MINH TRÚC

Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công An.....cùng lãnh đạo các bộ ban ngành.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành.

Nhiều kết quả tích cực

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học qua là một năm đầy thách thức khi phải tiếp tục khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, vừa củng cố nâng cao chất lượng đào tạo, cũng là năm đầu tiên triển khai dạy bắt buộc tiếng anh, tin học với lớp 3 và triển khai chương trình mới tại cấp THPT.

Đồng thời, đây cũng là năm đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai nghị quyết 29 đồng thời cũng là thời điểm triển khai thực hiện đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Theo Bộ trưởng, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các ban bộ ngành, cấp uỷ đảng các địa phương, sự ủng hộ của các tầng lớp, đặc biệt sự quyết tâm trách nhiệm của nhà giáo, sự cố gắng nỗ lực của các em học sinh, sinh viên toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch 2022-2023 trong đó có nhiều kết quả tích cực.

Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện về thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục được tiếp tục duy trì, củng cố. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt thành tích cao. Bộ đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, khách quan.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục phát triển về số lượng, chất lượng; tình trạng thừa thiếu giáo viên đã có nhiều giải pháp để khắc phục; tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu. Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận việc triển khai kế hoạch còn một số khó khăn như tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các TP lớn. Công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý còn chưa đạt hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường chưa giảm.

"Hội nghị là dịp cùng nhau đánh giá toàn diện, trao đổi để đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế từ đó thực hành thành công kế hoạch năm học" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (GV), tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022.

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số GV mầm non, phổ thông là 1.234.124 người .

Thế nhưng, vẫn còn tình trạng thiếu GV các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu GV còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019 còn thấp như cấp mầm non ở vùng Đông Nam Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 75,4%), cấp tiểu học ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 77%). Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 (tính đến nay), các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Cụ thể, có 11 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 12 huy chương đồng và 05 bằng khen.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, chủ đề năm học 2023-2024 là “đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục, đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, toàn ngành GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT.

Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Và cuối cùng là tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm