Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Sửa Nghị định 99 và Luật 34 để mở đường cho tự chủ đại học

(PLO)- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển bằng việc sửa Nghị định 99 và sớm sửa Luật 34 vào năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ cán bộ, giảng viên đại học. Tại buổi gặp gỡ, nhiều giảng viên, cán bộ từ nhiều trường đại học trên cả nước đã nêu lên những ý kiến, khó khăn trong công tác giảng dạy và đề xuất, kiến nghị.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên. Mỗi ý kiến thầy cô nêu là nhiều nhóm vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ chiều 15-8. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ chiều 15-8. Ảnh: MOET

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng, phát triển giáo dục đại học là bài toán khó, phức tạp, lâu dài. Giáo dục đại học đang chuyển đổi, từ cách thức quản trị, quản lý nhà nước, cho đến sử dụng nguồn lực, cơ cấu ngành nghề… Đại học là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, nhà khoa học đã khắc phục khó khăn, đóng góp vào phát triển giáo dục đại học; Bộ trưởng nhìn nhận, các nhà khoa học, chuyên gia là lực lượng giúp Bộ GD&ĐT làm chính sách chiến lược mang tầm quốc gia.

Theo Bộ trưởng, chăm sóc các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT đang từng bước làm mọi việc để phát triển nguồn lực này; đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Hiện nay, giáo dục đại học đã và đang đạt được một số thành tựu nhất định về quy mô và chất lượng, nhất là việc triển khai tự chủ đại học. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%, hiện nay cả nước có 2,1 triệu sinh viên đại học, 120 nghìn sinh viên sau đại học.

Đáng chú ý, số lượng sinh viên nhập học đại học tăng khá trong giai đoạn gần đây sau một thời gian chỉ số này đi xuống.

So với 10 năm trước đây, số lượng giảng viên đã tăng 30%. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, tuy nhiên, con số này so với các nước trong khu vực châu Á thì còn rất thấp, chỉ đạt 32%.

Bộ trưởng đánh giá, 10 năm qua ngành giáo dục đã có một bước tiến rất dài nhưng với yêu cầu của đất nước, yêu cầu của khoa học công nghệ thì bước tiến đó vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn những điểm nghẽn làm tốc độ phát triển ngành giáo dục chậm lại.

Buổi gặp gỡ đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà giáo. Ảnh: MOET

Buổi gặp gỡ đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà giáo. Ảnh: MOET

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ sớm sắp xếp và quy hoạch mạng lưới giáo dục, cần sớm đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ; cần tiếp tục cải thiện đội ngũ giảng viên đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm “hạt nhân” hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.

Ngoài ra, còn đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho hệ thống các trường đại học, cần phải có sự cải thiện về nguồn tài chính cho giáo dục đại học.

Riêng về thể chế, trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường đổi mới cho giáo dục nói chung và việc tự chủ đại học theo chiều sâu nói riêng.

Nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm là tự chủ đại học. Bộ trưởng cho biết, tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng nhà trường mà cần xuống tới cấp khoa, cấp môn, tới tận giảng viên, nhà khoa học để giải phóng sự sáng tạo của các giảng viên, nhà khoa học.

Tiếp theo, với tình hình khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Bộ trưởng mong các nhà khoa học giỏi hơn nữa. Bởi vì, chỉ có phát triển khoa học công nghệ mới góp phần cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng mong muốn, nhà giáo nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp chung. Công bố quốc tế quan trọng nhưng cũng cần những công trình giải quyết những vấn đề nóng của đất nước, những ứng dụng giải quyết vấn đề thực tiễn.

“Muốn có học sinh xuất sắc thì không thể không có những thầy xuất sắc, đất nước cần những người như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

TS. Đinh Minh Hằng - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu vấn đề. Ảnh: MOET
TS. Đinh Minh Hằng - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu vấn đề. Ảnh: MOET

Đặt vấn đề, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo? Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều việc phải làm, trong đó có cả những việc cần làm sớm nhưng cũng có những việc cần có thời gian.

Trước mắt, cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ. Tháo gỡ trước mắt là Bộ đang sửa Nghị định 99 và sớm sẽ sửa Luật 34.

Bộ sẽ duy trì các chính sách để phát triển lực lượng giảng viên cả số lượng và chất lượng bằng nhiều nguồn, đề án, nhiều kênh các nhau.

Bộ trưởng mong các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo – một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.

Cuối cùng, Bộ trưởng mong muốn các nhà giáo cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm