Trường đại học ngại tự chủ vì hiểu chưa đầy đủ về khái niệm

(PLO)- Nhiều trường đại học nghĩ rằng tự chủ nghĩa là tự lo, nhà nước sẽ không quan tâm, không đầu tư, không quản lý. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục chương trình Gặp gỡ, chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên các trường đại học.

Lo học phí tăng, người học ngại vào trường tự chủ

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết quá trình thực hiện tự chủ toàn diện của trường còn gặp một số khó khăn. Khó khăn này không chỉ là khó khăn riêng của trường mà còn là khó khăn của tất cả các trường Đại học, đang và sẽ thực hiện tự chủ trong thời gian sắp tới.

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại cuộc gặp gỡ chiều nay. Ảnh: BỘ GD&ĐT

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại cuộc gặp gỡ chiều nay. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Theo bà Huyền, trước hết phải khẳng định, tự chủ là chủ trương đúng để có thể huy động được các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển nguồn nhân lực nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, do khái niệm tự chủ trong tự chủ đại học đang được hiểu còn chưa đầy đủ, thiên về tự chủ tài chính, ít nghĩ tới các khía cạnh khác còn quan trọng hơn như tự chủ nhân sự, tự chủ học thuật.

“Nhiều trường nghĩ rằng tự chủ nghĩa là tự lo, nhà nước sẽ không quan tâm, không đầu tư, không quản lý. Còn xã hội nói chung và nhiều gia đình người học thì cho rằng tự chủ gắn liền với học phí sẽ tăng lên và chất lượng sẽ không đảm bảo.

Chính tư duy này đã làm cho các trường ngại tự chủ, người học và gia đình ngại theo học các trường tự chủ. Và chắc chắn rằng nếu cứ như thế công cuộc tự chủ hoá các trường đại học sẽ khó có thể thành công” - bà Huyền nhấn mạnh.

Với tình hình trên, bà Huyền đề nghị Bộ GD&ĐT cần chung tay góp sức với các trường đại học trong công tác truyền thông về tự chủ đại học, không nhấn mạnh vào tự chủ tài chính mà cần nhấn mạnh đầu tiên là tự chủ học thuật.

Nhờ tự chủ mà các trường đại học có thể chủ động thực hiện các hoạt động khoa học trao đổi học thuật, liên kết nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng như thương mại hoá các sản phẩm công nghệ, tạo cơ hội cho người học được tham gia, trải nghiệm và có cơ hội để thực hành thực tế khi còn trên ghế nhà trường, từ đó thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Hơn nữa, chính nhờ tự chủ về nhân sự mà các trường có thể mời các chuyên gia thực tế, các nhà khoa học thành danh ở nước ngoài về làm việc để chung tay nâng tầm giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Cuối cùng, mới nói đến tự chủ về mặt tài chính. Các trường tự chủ có thể tự chủ hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, từ xã hội cho đầu tư vào các phòng thí nghiệm, thư viện, các công trình hỗ trợ đào tạo, qua đó có thể xây dựng một không gian học thuật mang tầm quốc tế.

“Với chất lượng cao đó việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết, khi đó người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ phàn nàn về học phí hay là tư duy tự chủ là tự do, tự lo ở các trường đại học như tự chủ hiện nay” - bà Huyền nhấn mạnh.

Hiện nay, theo bà Huyền còn thiếu đồng bộ trong các chính sách liên quan đến vận hành của một trường đại học tự chủ. Do đó, bà mong Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các cơ quan quản lý nhà nước sớm tiến hành rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật để tự chủ đại học có thể triển khai một cách hiệu quả nhất.

Tự chủ đại học gặp khó

Trước những chia sẻ của bà Huyền, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, có thể nói tự chủ đại học là việc VN đã thực hiện hơn 30 năm trước với hai Đại học Quốc gia, và cho đến nay có rất nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao.

Vấn đề chúng ta nhắc đến nhiều nhất và đó cũng là điểm vướng, điểm khó đó là về thể chế.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ chiều nay. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ chiều nay. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Chúng ta đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật 34), Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật, quy định nhiều nội dung chi tiết để thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, vẫn có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, khiến cho quyền tự chủ của giáo dục đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ.

Đây là câu chuyện cần có một quá trình điều chỉnh, riêng với Nghị định 99, hiện nay chúng ta đang điều chỉnh những vướng mắc trong phạm vi .

Theo kế hoạch, có thể đến năm 2024 Quốc hội sẽ xem xét cho sửa đổi luật 34, đó là việc mở đường về thể chế.

Cũng theo Bộ trưởng, một điểm khó khi thực hiện tự chủ là do hiểu sai, có nơi hiểu nhưng hiểu chưa hết nên không làm hết. Có nơi hiểu tự chủ là muốn làm gì thì làm, đó là cái hiểu sai dẫn đến thực hiện sai lệch.

Bộ trưởng cho biết, thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí.

Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì sẽ là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị trong thời gian tới. Cùng với đó, về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính cũng cần có điều chỉnh để làm tốt hơn vấn đề tự chủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm