Giáo viên mong được tăng lương, giảm bớt các cuộc thi

(PLO)- Mức lương quá thấp, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên chưa tương xứng, tổ chức quá nhiều cuộc thi... là những vấn đề giáo viên (GV) chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại cuộc gặp sáng nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục".

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

Giáo viên mầm non khó bám trụ với nghề

Cô Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên Trường Mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết thời gian làm việc của GV mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng GV phải làm việc từ 10 - 11 giờ/ngày. Ngoài ra, do thiếu GV nên có những lớp, một cô phải dạy hơn 30 trẻ.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ với giáo viên. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ với giáo viên. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Chế độ tiền lương đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp (GV ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng), khó đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Hơn nữa, quy định tuổi nghỉ hưu của GV mầm non đang giống các ngành nghề khác trong điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, đặc thù công việc của GV mầm non khá nặng nhọc nên độ tuổi nghỉ hưu quy định như hiện nay là chưa thực sự phù hợp.

Đồng quan điểm, cô Dương Thị Thanh Hồng, GV trường Mầm non số 1, TP Hà Tĩnh mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là GV mầm non. Đồng thời, cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.

Bên cạnh đó, quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của GV mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của GV tiểu học hạng 3. Như vậy bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch. Trong khi, mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương GV mầm non được xếp tương quan với GV các cấp học khác.

Lương nhân viên trường học quá thấp

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời, Cà Mau cho biết hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp, không được hưởng phụ cấp thâm niên nên chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện tại tỉnh Cà Mau chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện tại tỉnh Cà Mau chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Do đó, tôi đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, cô Trần Thị Phương Thảo, GV trường THCS Lê Anh Xuân, TP.HCM cho hay nhóm vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong trường THCS có 8 vị trí nhân viên, gồm: thư viện; thiết bị thí nghiệm; công nghệ thông tin; kế toán; văn thư; thủ quỹ; y tế và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.

Hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp nên rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Họ phải tìm việc làm thêm và chưa dành thời gian đầu tư nâng cao chất lượng công việc.

Do đó, nếu nhân viên có được phụ cấp công vụ hoặc chế độ lương cao hơn thì chắc chắn việc tuyển dụng sẽ thuận lợi hơn, người lao động sẽ ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với nhà trường và nỗ lực công tác tốt.

Đồng quan điểm, thầy Thái Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, tỉnh Đắc Nông cho hay có chế độ tiền lương phù hợp đối với nhân viên thư viện, văn thư, y tế trường học. Hiện nay, lương thấp, nhân viên thiếu nên học sinh cũng không đăng kí ngành học để tuyển dụng. Vì vậy, kính mong Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ này yên tâm công tác.

Tổ chức quá nhiều cuộc thi

Cô Thuận Ánh, tỉnh Cà Mau cũng chia sẻ thêm việc tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học ở khối THCS là chưa hợp lý với trình độ học sinh, có ý kiến cho rằng vừa hình thức, bệnh thành tích, tốn kém, vất vả cho đội ngũ. Do đó, đề nghị Bộ trưởng xem xét giảm tải các cuộc thi không cần thiết để GV tập trung nhiều hơn cho chuyên môn dạy học.

Tương tự, cô Lý Thị Trinh Nguyên, GV Trường mẫu giáo Hoạ Mi, tỉnh Hậu Giang cho hay trong trường học có các cuộc thi/hội thi của GV, học sinh, trong đó có cuộc thi trong ngành GD&ĐT phát động. Đồng thời, cũng có nhiều cuộc thi do các bộ ngành khác hoặc do địa phương phát động đều lấy giáo dục là trọng tâm. Vì vậy, GV có rất nhiều áp lực, mất nhiều thời gian, không có điều kiện chăm sóc gia đình. Cô Nguyên kiến nghị Bộ trưởng quan tâm, giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết.

Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong khi đó, cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên tại TP.HCM cho biết cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật là sân chơi bổ ích giúp các em học sinh trung học tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện .

“Để các cuộc thi tổ chức hiệu quả, tôi thiết nghĩ cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi trong năm học, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian, thời lượng cuộc thi phù hợp giúp giáo viên, học sinh ở từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên và thời gian học tập của các em” - cô Thảo nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết mức lương của giáo viên mầm non thực tế hiện nay chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Do đó, được Chính phủ giao phó, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ nội vụ dự kiến sẽ tăng phụ cấp ưu đãi đối với mầm non 10%, tiểu học 5%. Một điều chỉnh dù rất nhỏ nhưng điều này thực hiện sẽ thêm phần nào đó đối với giáo viên.

“Ngành giáo dục số lượng người hưởng lượng rất lớn chiếm hơn 70% số lượng công chức viên chức cả nước. Vì vậy, mỗi chính sách điều chỉnh nhỏ, cần tính toán các nguồn lực, điều kiện, mong muốn kiến nghị từng bước và hợp lý” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, có nhiều ý kiến đề cập đến thu nhập của các nhân viên quá thấp. Hiện Bộ GD&ĐT đang có kiến nghị, tuy nhiên cần phải thống nhất với nhau nâng thu nhập và lương cho nhóm này không thể áp dụng như đối với đội ngũ nhà giáo vì chính sách khác nhau.

Liên quan đến các cuộc thi hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo về mặt thống nhất số lượng các cuộc thi trong năm, đồng thời cũng quy định danh mục các cuộc thi của ngành tổ chức. Do đó, các cuộc thi của ngành, các trường cần quan tâm thực hiện. Mặt khác, danh mục các cuộc thi đã được ban hành, do đó việc giảm hay bớt các cuộc thi nào cũng phải rất cân nhắc.

Còn đối với các cuộc thi khác, các địa phương, các trường cân nhắc tham gia. Đặc biệt, Hiệu trưởng cần có vai trò quan trọng trong vấn đề này, không nên tham gia quá nhiều cuộc thi mang tính chất chồng chéo sẽ gây vất vả cho giáo viên và học sinh.

Liên quan đến cuộc thi nghiên cứu khoa học là rất tốt vì nó kích thích sự sáng tạo, học đi đôi với hành. Cuộc thi này vẫn tiếp tục thực hiện và có sự điều chỉnh, theo hướng đổi mới và phù hợp với lứa tuổi, mang tính thực chất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm