Chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ cán bộ, giảng viên đại học

(PLO)- Chiều nay (15-8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng vì lần đầu tiên được gặp gỡ, trao đổi rộng rãi với các giảng viên, nhà khoa học công tác tại các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Đây là lần đầu tiên, Bộ trưởng gặp mặt phần đông các nhà giáo, nhà khoa học cả khối công và ngoài công lập.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sáng 15-8. Ảnh: MOET

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sáng 15-8. Ảnh: MOET

Bộ trưởng hy vọng, buổi gặp mặt hôm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các nhà giáo, nhà khoa học có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề nóng của ngành; những vấn đề vướng, khó của ngành, của các cơ sở giáo dục ĐH; hoạt động nhà giáo trong cơ sở giáo dục ĐH.

Bộ trưởng thông tin, Ban tổ chức nhận được hơn 200 ý kiến, câu hỏi, thư trao đổi của thầy cô gửi về. Ngoài ra, cá nhân Bộ trưởng cũng nhận được hàng chục ý kiến qua email, tin nhắn bày tỏ quan tâm, chia sẻ, có cả ý kiến mang tính chất vấn, kiến nghị.

Bộ trưởng cho rằng, các thầy cô còn nêu vấn đề, còn trao đổi, còn hỏi là còn đáng mừng. Sợ nhất là sĩ phu ngoảnh mặt với vấn đề của quốc gia, vấn đề giáo dục. Bộ trưởng khẳng định sẵn sàng đón nhận ý kiến, sự quan tâm, tầm nhìn, trí tuệ của các thầy cô.

Để chuẩn bị cho chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước.

Tổng số ý kiến nhận được là hơn 200 ý kiến, trong đó ý kiến của giảng viên là 144 giảng viên chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51 chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý.

Rất nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí sinh viên ĐH, các ý kiến bày tỏ trách nhiệm xã hội của các trường ĐH, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên.

Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay... đã làm cho các trường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Cụ thể, số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…

Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học. Đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.

Trong nhóm vấn đề liên quan đến định hướng phát triển ngành giáo dục, nhiều ý kiến mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ chiến lược để đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá ở bậc giáo dục ĐH trong tương lai.

Một số ý kiến nêu vấn đề không nên dùng điểm học bạ xét tuyển đại học, cao đẳng vì không đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành cao...

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tại sự kiện, Bộ trưởng trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề được nhà giáo và dư luận quan tâm như vấn đề tiền lương, chế độ phụ cấp của giáo viên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm