“Điều đáng báo động là khả năng chữa khỏi ung thư cho các bệnh nhân tự ý chữa trị bằng cách đắp lá cây là rất khó do bệnh đã rơi vào giai đoạn cuối” - TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, mới đây đã cảnh báo.
Coi lá sắn dây là “thần dược”
“Mới hôm 25-12, một bệnh nhân nữ 45 tuổi ở TP.HCM đến BV Ung bướu TP trong tình trạng khối bướu ở vú phải rất to, chảy dịch vàng. Chưa hết, khối bướu này dính cứng thành ngực gây đau nhức, khó thở” - TS-BS Thịnh cho biết.
Ông Thịnh cho biết thêm khối bướu nói trên cũng đã di căn hạch nách phải và tiếp tục di căn qua vú trái. “Bệnh tiến triển quá nhanh và quá nặng khiến việc điều trị khó khăn, kéo dài. Kết quả lại không cao” - ông Thịnh nói.
Theo TS-BS Thịnh, bệnh nhân nói trên đã đến BV Ung bướu TP khám cách đây năm năm. “Khi đó, bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhân đã bị ung thư và ghi nhận khối u ở vú phải chỉ mới 2 cm. BS cũng đã yêu cầu nhập viện để điều trị sớm nhưng bệnh nhân bỏ về” - ông Thịnh cho biết thêm.
Bệnh nhân kể sau khi về nhà, nghe lời mách bảo nên tìm lá sắn dây đâm nhuyễn rồi đắp lên khối u. Đắp liên tục một tháng, khối u vỡ ra. Cho rằng lá sắn dây đã có tác dụng, bệnh nhân tiếp tục đắp với hy vọng sẽ làm lành khối u. Dè đâu vài tháng sau khối u phát triển to hơn và di căn. Đến lúc này, bệnh nhân tìm đến BV Ung bướu TP nhưng đã quá trễ.
Ông Thịnh lắc đầu: “Điều đáng nói bệnh nhân này ở TP.HCM mà cũng tin vào khả năng chữa bệnh của lá cây. Cho nên đừng tưởng đắp lá cây để chữa ung thư chỉ xảy ra trên bệnh nhân vùng sâu, vùng xa”.
Bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM đang khám cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: TRẦN NGỌC
Tin lá dâm bụt hút “cùi” khối u
Nằm trên giường bệnh tại khoa Ngoại 4 BV Ung bướu TP.HCM, bà NTTL (50 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận) luôn miệng than đau. Không chỉ vậy, nửa phần ngực bên phải băng kín.
“Cách đây vài tháng, nách phải của tôi có khối u nhỏ. Nghe nói lá dâm bụt hút được “cùi” khối u nên tôi hái một rổ rồi đâm nhuyễn đắp lên. Ba ngày sau, khối u sưng phồng, đau nhức, hành tôi mệt lả” - bà L. nói.
“Đinh ninh khối u sưng phồng là do “cùi” của khối u sắp được lá dâm bụt hút ra nên tôi tiếp tục đắp. Đến khi phát hiện khối u ngày một lớn, liên tục chảy nước vàng, người luôn đau nhức tôi lật đật đón xe lên BV Ung bướu TP” - bà L. kể.
BS Phạm Huỳnh Anh Tuấn, khoa Ngoại 4 BV Ung bướu TP, cho biết bướu vú của bà L. hiện khá to, đường kính 4,5 cm. “Chưa hết, trong thời gian đắp lá dâm bụt, bướu vú đã di căn hạch nách với đường kính là 4,5 cm. Bướu nách hiện đã lở loét và liên tục chảy nước vàng” - BS Tuấn cho biết.
“Ung thư của bà L. hiện đang ở giai đoạn gần cuối, tức rất nặng. Do vậy, khả năng chữa lành bệnh là không thể” - BS Tuấn nói thêm.
Chữa ung thư phải dựa vào Tây y
“Hiện nay, chữa trị ung thư phải dựa vào Tây y. Đắp lá thuốc hoặc tự điều trị ung thư bằng các phương pháp không khoa học càng khiến tế bào ung thư phát triển nhanh, bệnh thêm nặng và khó chữa hơn. Bên cạnh đó, Tây y phối hợp với y học cổ truyền trong điều trị ung thư sẽ giúp bệnh nhân ăn uống ngon hơn, thoải mái hơn”. TS-BS ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM |
Nhịn đói… chữa khỏi ung thư
“Không chỉ đắp lá cây, BV Ung bướu TP còn ghi nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân nhịn đói để điều trị ung thư. Bởi lẽ bệnh nhân nghĩ rằng khi nhịn đói thì khối u cũng “đói” theo và không phát triển. Do vậy sẽ mau hết bệnh” - BS Tuấn cho biết.
Theo BS Tuấn, suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm và rất tai hại. Bởi lẽ tế bào ung thư luôn tự thân tìm kiếm thức ăn và hấp thu dinh dưỡng trong cơ thể người bệnh. “Do vậy, bệnh nhân ung thư không ăn uống đầy đủ càng mau suy kiệt” - BS Tuấn lưu ý.
“Điều quan trọng trong quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân phải trải qua nhiều giai đoạn và tốn rất nhiều sức lực. Do vậy, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ để đáp ứng quá trình chữa bệnh” - BS Tuấn nói.
Lá cây không chữa được ung thư “Không có loại lá cây nào chữa được ung thư. Các bài thuốc y học cổ truyền cũng không chữa khỏi ung thư mà chỉ hỗ trợ với Tây y để điều trị ung thư”. BS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Trưởng khoa Y học cổ truyền |