“Chỉ vì nghe lời bà bán xôi mà khối u trong người tôi hành hạ tới giờ. BS BV Ung bướu TP.HCM nói tôi còn phải điều trị lâu dài. Giờ có hối hận thì cũng không kịp” - bệnh nhân HTL (20 tuổi, ở Ninh Thuận) vừa nói vừa nhăn nhó.
Đắp lá để… thổi bay hạch nách
Bệnh nhân L. kể: “Cách đây ba tháng nách phải của tôi nổi cục hạch bằng trứng gà, hành đau cả ngày. Chưa hết, cục hạch còn gây ngứa khiến tôi phải gãi suốt”.
“Một hôm, bà bán xôi ghé nhà và hỏi lý do tôi cứ gãi nách. Sau khi nghe tôi thuật lại, bà bán xôi vỗ tay lên đùi cái bốp rồi phán: “Cục hạch này là “đồ quỷ đồ yêu”, phải thổi bay thì hết ngứa”. Nói rồi bà này bảo tôi hái mớ lá dại mọc ở hàng rào nhai và đắp lên cục hạch liên tiếp 10 ngày là hết” - bệnh nhân L. nói.
Bệnh nhân L. làm đúng lời bà bán xôi. Càng đắp thì cục hạch càng to và càng gây ngứa. “Một hôm, do quá ngứa nên tôi gãi mạnh khiến cục hạch bị bể, máu mủ chảy tùm lum, tanh rình. Tôi tưởng cục hạch đã được “thổi bay”, sẽ lành lại sau vài ngày nên mừng lắm” - bệnh nhân L. cho biết.
Thế nhưng cục hạch ngày càng lở loét, dịch vàng chảy ướt áo, kèm mùi tanh tanh khiến bệnh nhân L. không dám đứng gần ai. “Cách nay một tháng, do cục hạch liên tục gây đau nhức, máu mủ cứ chảy nên tôi vô BV Ung bướu TP.HCM. BS nói tôi bị ung thư tuyến vú phụ, trước sau phải mổ. Nghe nói tôi rùng cả mình. Hiện mỗi ngày tôi phải thay băng hai lần và dùng đủ thứ thuốc. Nếu tôi tới BV sớm thì đâu ra nông nỗi này” - bệnh nhân L. hối hận.
Khi mắc bệnh, người dân nên tìm đến bệnh viện hay bác sĩ để có những lời khuyên thích hợp. Ảnh: HTD
Bị hoại tử ngực cũng do đắp lá dại
Bệnh nhân DC (20 tuổi, ở An Giang) cũng phải vào BV Ung bướu TP.HCM điều trị ung thư vú do đắp lá dại mọc ven hàng rào.
Bệnh nhân C. buồn kể: “Tôi là công nhân may. Cách đây một năm, ngực trái tôi nổi khối u bằng trứng cút. Tôi liên tục bị nóng nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt uống”.
Khối u ở ngực mỗi ngày mỗi lớn khiến bệnh nhân C. bị đau và sốt nhiều hơn. “Một hôm người quen tạt qua nhà chơi và hỏi sự tình. Sau khi nghe tôi kể lại, người này ra hàng rào cạnh nhà hái mớ lá dại rồi đâm nhỏ và đắp lên khối u trên ngực tôi. Người này còn nói tôi làm liên tiếp chừng hai tuần là khối u sẽ xẹp, hết đau, hết ngứa. Nghe nói vậy tôi mừng hơn lượm được vàng” - bệnh nhân C. nói.
Thế nhưng một điều khiến bệnh nhân C. thấy lo là càng đắp lá dại thì ngực trái C. càng to, càng ngứa, càng đau. Do ngực mất cân đối, bên nhỏ bên to nên C. không dám ra đường và phải xin nghỉ làm. “Một hôm, tôi đang lúi húi cho heo ăn thì bất ngờ khối u bị bể khiến dịch vàng chảy ướt áo. Hôm đó tôi bị cơn đau hành hạ suốt ngày, lại phải chịu đựng mùi tanh tanh máu mủ. Qua ngày sau tôi lên BV Ung bướu TP.HCM để điều trị” - bệnh nhân C. kể.
Điều dưỡng Trần Thị Mỹ Tiên, khu Ngoại 4 BV Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh nhân C. được chẩn đoán bị ung thư vú. “Khi bệnh nhân C. nhập viện, bướu đã chiếm trọn vú trái nên to bất thường và xệ xuống. Chưa hết, bướu còn bị lở loét và chảy dịch vàng nên bệnh nhân C. phải liên tục thay băng” - điều dưỡng Tiên cho biết thêm.
Với những trường hợp phát hiện cơ thể có khối u như hai bệnh nhân HTL và DC, BS Trương Công Gia Thuận, khoa Ngoại 4 thuộc BV Ung bướu TP.HCM, có lời khuyên: “Khi có khối u, nếu nghi ngờ bị ung thư thì nên tới BV sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Càng đắp lá cây càng kéo dài thời gian khiến tế bào ung thư càng phát triển”.
Còn BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cũng nêu quan điểm: “Sử dụng lá cây nhưng lại không biết là loại gì để điều trị ung thư sẽ rất nguy hiểm. Do đó không nên dùng. Đối với những cây lá có tên tuổi, y khoa thế giới cũng có sử dụng để điều trị ung thư nhưng công dụng vẫn chưa rõ ràng. Do vậy, muốn sử dụng bất kỳ loại gì để điều trị ung thư cần phải tham khảo ý kiến BS”.
PGS-TS PHẠM DUỆ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai: Từng bất lực chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong vì 'bác sĩ Google' Theo PGS-TS Phạm Duệ, hệ lụy từ phương pháp chữa bệnh trên mạng rất đáng tiếc. Trong suốt thời gian làm việc tại BV Bạch Mai, BS Duệ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải gánh hậu quả do tin vào mạng xã hội mà chữa bệnh. “Có trường hợp tôi nhớ mãi, đó là bệnh nhân được chuyển từ Phú Thọ xuống BV Bạch Mai. Bệnh nhân này bị sốt siêu vi, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. các BS đã nỗ lực hết sức cứu bệnh nhân, chỉ trong gần hai tuần bệnh nhân này qua cơn nguy kịch và phục hồi rất tốt. Chúng tôi có dự định cho bệnh nhân này xuất viện vào đầu tuần sau. Tuy nhiên, sang thứ Hai lên họp giao ban thì BS lại báo bệnh nhân này gặp vấn đề, đã rơi vào tình trạng hôn mê. Hỏi ra mới biết chị vợ này hôm qua thấy chồng mình tỉnh táo đã mừng quá, cho uống hai viên thuốc bổ mua bên ngoài. Chị này chỉ biết thuốc được quảng cáo giúp bệnh nhân khỏe mạnh, bổ máu nhưng không biết nó vô tình làm máu trong não anh này tăng lên đột ngột. Đáng tiếc là bệnh nhân tử vong ngay sau đó mà không thể cứu chữa gì! Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tôi đã chứng kiến khi bất lực nhìn bệnh nhân tử vong vì các phương thuốc lạ kỳ trên mạng. Do đó, mọi người nên biết rõ hơn về hậu quả chữa bệnh theo “bác sĩ Google” và tránh xa các phương pháp điều trị lan truyền trên mạng”. HÀ PHAN |