Ngày 10-4, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 13 bị cáo, trong đó có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.
Được dẫn giải từ trại tạm giam đến tòa án, cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cùng các bị cáo khác xuất hiện trong trang phục quần áo dài tay màu xanh dương.
Trước đó, trong các phiên xét xử vụ án sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, bên cạnh các bị cáo mặc trang phục màu xanh như trên, bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Chu Lập Cơ, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng... (đang bị tạm giam) lại mặc quần áo bình thường với các kiểu dáng, màu sắc khác nhau.
Hay trước đó nữa, trong các phiên xét xử sơ thẩm Văn Kính Dương và đồng phạm, Vũ Hoàng Ngọc Anh (hot girl Ngọc Miu - người tình của Văn Kính Dương), các bị cáo cũng mặc trang phục hàng ngày tại phiên tòa...
Sự không thống nhất trong trang phục của các bị cáo khi đứng trước bục khai báo khiến nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi: Pháp luật hiện hành quy định thế nào về trang phục của các bị cáo tại tòa?
Trao đổi với PLO về vấn đề trên, luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), cho hay hiện nay, việc mặc trang phục khi ra tòa đối với bị cáo được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 743/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, bị cáo là người đang được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm.
Bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.
Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù, thì sử dụng trang phục dành riêng cho họ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, dù là bị cáo Đỗ Hữu Ca, Trương Mỹ Lan, Ngọc Trinh (những người đang bị tạm giam khi đưa ra xét xử)... hay là Trang Nemo, Đỗ Hoàng Việt (những người được tại ngoại trước khi xét xử) thì đều được quyền mặc những trang phục bình thường mà họ có khi ra tòa.
LS Phát cũng cho biết thêm, từ năm 2004 đến nay, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về trang phục dành riêng cho người đang chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, những người này khi ra tòa vẫn có thể được xem xét cho sử dụng trang phục là thường phục như hai trường hợp còn lại (nếu họ không phải là quân nhân tại ngũ).
Hiện nay, khi chấp hành hình phạt tù, họ được hưởng chế độ mặc và tư trang theo Điều 8 Nghị định 133/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi hành án hình sự. Trong đó, họ sẽ được sử dụng hai bộ quần áo dài bằng vải thường, quần áo lót, khăn mặt, chiếu, dép... nên vẫn có đồ sẵn để mặc khi ra tòa mà không cần trang phục riêng.
"Theo tôi, không cần quy định trang phục riêng cho bị cáo, người đang chấp hành hình phạt tù. Chỉ cần trang phục đó đảm bảo sự trang nghiêm, không hở, màu sắc quá sặc sở hay rách rưới hoặc có in hình ảnh nhạy cảm trên trang phục là được", LS Phát nêu ý kiến.
TAND Tối cao từng có công văn liên quan
"Cho đến nay Nghị quyết đã có hiệu lực thi hành được hơn bốn tháng. Tuy nhiên qua phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng cho thấy đến thời điểm này tại một số phiên toà của một số Toà án nhân dân địa phương, cũng như của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, các bị cáo đang bị tạm giam vẫn mặc trang phục theo quy định của Chính phủ đối với người đang chấp hành hình phạt tù (trang phục kẻ sọc đen trắng đối với phạm nhân). Để góp phần chấm dứt tình trạng này, thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết nói trên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao yêu cầu Toà án nhân dân địa phương và Toà án quân sự các cấp, các Toà án phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao từ nay trở đi khi gửi Lệnh trích xuất bị cáo cho Ban giám thị Trại tạm giam cần ghi vào Lệnh trích xuất bị cáo như sau:
“Ghi chú: Yêu cầu Ban giám thị Trại tạm giam cho các bị cáo mặc trang phục tại phiên toà theo đúng quy định tại Điều 1 Nghị quyết 743/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 24/12/2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về trang phục của bị cáo tại phiên toà xét xử vụ án hình sự”".
(Trích Công văn số 106/2005/KHXX ngày 13-5-2005 của TAND Tối cao)