Trên các con phố chúng ta dễ dàng nhìn thấy những tờ rơi, bao nylon các loại, hộp xốp, ống hút, tàn thuốc, thậm chí vỏ dừa, trái cây, thức ăn… bị vứt bừa bãi khắp nơi. Khi nhìn những hình ảnh đó, đã bao giờ bạn cảm thấy thất vọng vì thái độ quá vô tư của nhiều người?
Ảnh: NC
Thay đổi nhận thức
Những ngày vừa qua, TP.HCM đã có những cơn mưa dai dẳng. Thế là những hình ảnh cũ lại tái diễn: xe cộ bì bõm trong dòng nước ngập. Chị BM (Gò Vấp) cho biết “Cứ trời mưa là tôi không dám ra đường, phần vì khó lái xe vì đường ướt trơn trượt nguy hiểm, phần vì sợ ngập, sợ xe chết máy. Nhiều người nghĩ như mình nên cứ hễ hết mưa là kẹt xe đủ chỗ khiến việc di chuyển mất thời gian”. Tâm tư của chị M ai cũng thấu hiểu. Xét về khía cạnh môi trường, hãy khoan nói đến vai trò của các cơ quan chức năng, hãy xem người dân chúng ta đã làm gì và có thể làm gì.
Như đã nói ở trên, những loại rác thải bị xả trên đường theo gió cuốn, nước chảy sẽ đổ về các cống thoát nước. Khi lượng rác tăng dần lên trôi theo nước mưa, tràn vào cống rãnh và dĩ nhiên xảy ra tình trạng nước ứ đọng, biến đường thành sông. Có ý kiến cho rằng vì sự phát triển đô thị quá nhanh khiến cơ sở hạ tầng không phát triển kịp. Đó là một mặt bởi lẽ nếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân không được nâng lên thì lời giải cho bài toán ngập nước sẽ thật là khó. Trước đây, tại một buổi hội thảo do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức đã có thông tin, nhiều tuyến đường sau khi được quét sạch, 30 phút sau là rác bắt đầu quay trở lại. Dường như xả rác trở thành thói quen của một số người và từ đây, chúng ta biết rằng việc tự tạo thói quen xả rác ra đường là không nên.
Tạo thói quen không xả rác
Trên một diễn đàn về môi trường, L.Soni, một kỹ sư máy tính, đã chia sẻ mẹo của mình để tạo ra thói quen không xả rác. Mở đầu bài viết, anh nói “Thân gửi các bạn, đã bao giờ bạn tự thuyết phục bản thân mình (về việc không xả rác) chưa? Hãy để tôi giải thích cho bạn hiểu về cách thức tôi đã áp dụng cho mình. Thứ nhất, tôi biết rằng việc bỏ rác vào thùng là một thói quen tốt, vậy nên trước tiên tôi không cần phải thuyết phục người khác mà chỉ giải thích tầm quan trọng của việc này với một vài ví dụ trong thực tế. Thứ hai, con người có thể học nhiều hơn bằng trực quan, vì vậy nhiệm vụ của bạn là để họ thấy bạn hành động. Thứ ba, nếu họ nhận ra rằng rác thải xung quanh có thể gây hại cho sức khỏe thì họ sẽ không lập lại sai sót ấy lần nào nữa. Và tôi chắc rằng họ sẽ tự thấy sự nỗ lực của mình để cố gắng bù đắp vào việc làm họ đã bỏ qua. Thứ tư, những hành động cụ thể sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn việc phát biểu cổ động. Vì vậy lần tới, bạn hãy bỏ rác thải vào thùng, khi đó mọi người sẽ noi gương và làm theo. Thứ năm, đừng giải thích hành động của bạn cho đến khi có người hỏi, hãy cứ làm thôi”.
Tháng 6-2016, Đoàn Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng một số đơn vị khác tiếp tục thực hiện đợt hai chương trình Siêu thủ lĩnhnăm 2016. Đây là một trong những nội dung góp phần thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường của TP với nhiều nội dung. Chẳng hạn như tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định; xóa bỏ các bãi rác tự phát trên địa bàn dân cư; tạo lập các vườn hoa, mảng xanh trên khu vực bãi rác tự phát... Anh Nguyễn Viết Vũ, Bí thư Đoàn Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ “Nguyên nhân của việc vứt rác bừa bãi chủ yếu là do ý thức của người dân. Muốn muốn xóa bỏ phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức rồi từ đó sẽ có hành động đúng. Hiện nay Nhà nước đã có quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định; tuy nhiên phải thừa nhận rằng, việc xử phạt thường gặp khó khăn và khó thực hiện hơn là biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân”. Với mục tiêu thiết thực, Siêu thủ lĩnh năm 2016 hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân, kiến tạo, bảo vệ, góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. |