Trong chuyến thăm Trung Á năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Kyrgyzstan và Turkmenistan. TQ cũng làm điều tương tự với Tajikistan vào tháng 5-2013; với Uzbekistan vào tháng 8-2012.
TQ tái khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, bất chấp những bất đồng về lợi ích biên giới Trung-Ấn chưa được giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, Pakistan cũng “lọt mắt xanh” chính quyền Bắc Kinh. Hiện nay, TQ có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả năm quốc gia Trung Á và tất cả thành viên thuộc SCO.
Động thái trên cũng được TQ áp dụng đối với nhiều quốc gia thuộc khối ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có vai trò tiên phong. Trong chuyến thăm của ông Tập cận Bình đến ASEAN năm 2013, Bắc Kinh ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia. Trong khi đó quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia (thành lập năm 2005) được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh công cụ chính trị, Bắc Kinh còn sử dụng kinh tế thông qua các hiệp định mậu dịch tự do (FTA) để kết nối các quốc gia đạt được “đồng thuận chính trị”. Chiêu bài này không mới và càng không khó nhận ra khi TQ đang ra sức kêu gọi các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Bắc Kinh “chủ xị”, đối trọng lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ lãnh đạo.
Ngoài ra với thế mạnh về tiền của, Bắc Kinh không ngại chi các gói viện trợ, cho vay giá rẻ với khẩu hiệu “đóng góp hòa bình phát triển”. Nhưng thực tế phía sau là những phép dẫn dụ đầy toan tính của ông Tập Cận Bình. Nhà nghiên cứu Tansen Sen (Mỹ) nhận định “với dòng tiền dồi dào, “Con đường Tơ lụa” có thể thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á và châu Âu, miễn là các nước này tự nguyện tuyên bố có mối liên kết với đế chế TQ cổ đại”.
Tansen Sen cũng nhận định rằng đối với TQ, nếu “Con đường Tơ lụa” thành công sẽ mở ra con đường mới cho việc đầu tư nguồn dự trữ tiền tệ khổng lồ của Bắc Kinh, đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc tái lập trật tự thế giới TQ cổ đại - thứ mà TQ gọi là “thiên hạ”. Nghĩa là mọi nơi trên thế giới này đều thuộc về một thiên mệnh hoàng đế của Trung Hoa.