Từ ngày 1-8, TAND TP.HCM sẽ chính thức thực hiện tống đạt điện tử

(PLO)- TAND TP.HCM sẽ chính thức triển khai vận hành việc tống đạt qua phương tiện điện tử từ ngày 1-8-2023
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (27-7), TAND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án tống đạt điện tử tại TAND TP.HCM.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) cho biết việc tống đạt trực tuyến, nghị quyết, luật... đã có quy định nhưng chưa có điều kiện thực hiện. TAND TP.HCM đã thử nghiệm 2 tháng, nay chính thức công bố và triển khai áp dụng từ 1-8.

Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Theo ông Phong, việc tống đạt trực tuyến là tiền đề để xây dựng đề án điện tử. Ông Phong mong người dân, đương sự hợp tác để đạt được thành công.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó chánh án TAND TP.HCM) cho biết thực tiễn trong nhiều năm qua, TAND TP.HCM là đơn vị có số vụ việc giải quyết nhiều nhất nước, mỗi năm trung bình thụ lý trên 20.000 vụ án (Dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động).

Số lượng vụ việc phải tống đạt theo phương thức trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba, hoặc niêm yết, ủy thác tư pháp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hằng năm, khoản chi phí này ở các tòa đều cao hơn ngân sách được cấp.

Cạnh đó, theo bà Dung, TP.HCM là một trong những thành phố phát triển nhất cả nước, phần lớn công dân tại TP.HCM sử dụng các giao dịch điện tử như hộp thư điện tử, ứng dụng điện tử như Zalo, Viber để liên lạc, thông tin.

Do đó, nếu áp dụng hình thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử thì sẽ giảm thời gian, công chức cho cán bộ, công chức tòa án cũng như cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ công tác, làm việc với đơn vị và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Bà Dung cũng lưu ý, về nguyên tắc tống đạt bằng phương tiện điện tử, chỉ khi nào đương sự đồng ý thể hiện qua đơn khởi kiện, đơn đề nghị hoặc văn bản ghi ý kiến thì tòa án mới áp dụng hình thức này.

Về phương thức tống đạt sẽ tống đạt qua hộp thư mail. Điều kiện thực hiện, tòa án sử dụng hộp thư điện tử để tống đạt, đương sự địa chỉ hộp thư điện tử cho tòa án.

Về lưu trữ, văn bản tố tụng khi gửi đến, gửi đi từ hộp thư điện tử của tòa án phải được lưu trữ trên hộp thư điện tử của tòa án, phải được tòa án in ra bản giấy và lưu vào hồ sơ vụ án.

Bà Dung cũng cho biết, TAND TP.HCM đã hợp tác với công ty phần mềm để viết chương trình riêng cho TAND TP.HCM và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp cho mỗi thẩm phán thư ký địa chỉ email để làm hộp thư phục vụ cho việc tống đạt. Sở TT&TT đã cấp email cho 165 thẩm phán, thư ký. Và từ tháng 6-2023, TAND TP.HCM đã vận hành thử phần mềm tống đạt điện tử cho các đương sự đồng ý lựa chọn phương thức tống đạt này.

Kết quả là tính đến ngày 24-7-2023, TAND TP.HCM đã thực hiện được 162 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này. Hầu hết các trường hợp đương sự đều nhận được văn bản và có phản hồi tích cực về phương thức tống đạt mới.

Theo bà Dung, dựa trên cơ sở này, TAND TP.HCM sẽ chính thức triển khai vận hành việc tống đạt qua phương tiện điện tử từ ngày 1-8-2023.

Tại buổi này cũng đã tập huấn cơ bản về phần mềm cho các thẩm phán tham dự.

Kết thúc hội nghị, ông Phong cho rằng TAND TP.HCM là đơn vị đầu tiên triển khai đề án này. Vạn sự khởi đầu nan nên ông hi vọng “mỗi người một tay” để vận hành đề án này, quá trình vận hành sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm