TAND TP.HCM không có trường hợp nào kết án oan

(PLO)- Theo báo cáo, qua công tác xét xử án hình sự cho thấy, kết quả giải quyết bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không phạm tội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-12, kỳ họp thứ tám (kỳ họp thường lệ cuối năm) HĐND TP.HCM khóa X chính thức khai mạc. Tại đây, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đã có báo cáo về kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ, hoạt động năm 2023 của tòa án hai cấp TP.

Tỉ lệ án hành chính hủy, sửa do chủ quan còn cao

Chánh án Lê Thanh Phong cho biết: Năm 2022, TAND hai cấp TP.HCM đã triển khai và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh đất nước còn nhiều biến động, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, tòa án hai cấp đã thụ lý 60.821 vụ việc, giải quyết 47.203 vụ việc, đạt 77,6%. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ việc thụ lý tăng 10.194 vụ, giải quyết tăng 20.477 vụ, tỉ lệ giải quyết tăng 26%.

Trong đó, tòa án hai cấp đã thụ lý 1.338 vụ án hành chính, giải quyết 625 vụ, đạt 46,7%. So với cùng kỳ năm 2021, tỉ lệ giải quyết tăng 21,1%.

Tuy nhiên, báo cáo của Chánh án TAND TP đã chỉ ra rằng số lượng án hành chính chưa giải quyết dứt điểm còn nhiều; tỉ lệ án hủy, sửa do chủ quan còn cao.

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do việc giải quyết án hành chính có liên quan đến nhiều lĩnh vực, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau; đặc biệt là các văn bản về đất đai, các chính sách liên quan có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ. Trong cùng một dự án với các hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng người khởi kiện ra tòa không cùng một thời điểm, có sự khác nhau về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là về khung giá đất dẫn đến vụ án thụ lý trước đã được xét xử và bản án sơ thẩm bị kháng cáo.

Báo cáo cũng nêu đối với các dự án lớn, phức tạp như: Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 cũ), dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, dự án Khu công nghệ cao chỉnh trang đô thị (quận 9 cũ), dự án metro... do phải chờ kết luận thanh tra, chủ trương, đường lối giải quyết của các cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra nên chưa thể giải quyết.

Một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đến công tác phối hợp với tòa án; người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND và các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ, chậm hoặc không có văn bản có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nên tòa án thường không tiến hành đối thoại, ảnh hưởng đến thời hạn chuẩn bị xét xử, gây khó khăn cho tòa do người khởi kiện phản ứng việc vắng mặt của ủy ban, chủ tịch UBND.

Ngoài ra, do vắng mặt người bị kiện nên việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện gặp phải khó khăn, đa số phải tống đạt qua bộ phận văn thư của người bị kiện thì những người này thường không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt để việc tống đạt được hợp lệ.

Người bị kiện là ủy ban, chủ tịch UBND vắng mặt khiến người khởi kiện phản ứng, công tác xét xử án hành chính gặp nhiều khó khăn.

Nâng mức hỗ trợ cho công chức tòa án

Năm 2022, tòa án hai cấp TP.HCM đã thụ lý 6.995 vụ án hình sự, giải quyết 6.890 vụ, đạt 98,5%; so với cùng kỳ năm 2021, tỉ lệ giải quyết tăng 22,9%. Đặc biệt, tòa đã thụ lý, giải quyết một số vụ án được dư luận xã hội quan tâm như vụ án của Nguyễn Võ Quỳnh Trang, Nguyễn Kim Trung Thái. Đồng thời giải quyết một số vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.

Tiêu biểu như vụ án Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và đồng phạm được đưa ra xét xử về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vụ án Lê Tấn Hùng và đồng phạm được đưa ra xét xử về các tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí...

Qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy mặc dù số vụ án phức tạp nhiều nhưng kết quả giải quyết đã vượt tỉ lệ do Quốc hội quy định; kết quả giải quyết bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không phạm tội.

Cũng theo báo cáo của TAND TP.HCM, TAND hai cấp của TP được TAND Tối cao phân bổ 1.340 biên chế, hiện nay còn thiếu 174 biên chế. Trong đó, tình trạng phân bổ thư ký gặp nhiều khó khăn dẫn đến ảnh hưởng ít nhiều tới công tác xét xử, hòa giải…

Nhằm đảm bảo công tác trong năm 2023, TAND hai cấp TP.HCM kiến nghị với HĐND TP cần quan tâm đời sống cho cán bộ công chức, nâng mức hỗ trợ từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng.

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ phụ cấp cho hội thẩm nhân dân trong việc xét xử tại các phiên tòa, cũng như hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đoàn hội thẩm hai cấp tại TP.HCM.•

Chánh án TAND TP Hà Nội thông tin việc xét xử vụ Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết

TAND TP.HCM không có trường hợp nào kết án oan ảnh 2

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: TP

Sáng cùng ngày, kỳ họp 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI cũng đã khai mạc, dự kiến kéo dài 3,5 ngày (từ ngày 7 đến 10-12).

Tại buổi họp, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Trong đó có các vụ án liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được dư luận quan tâm thời gian qua…

“Theo đó áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới” - ông Chính nhấn mạnh.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm