Trên mạng xã hội hai ngày qua đã lan truyền nhanh chóng bài viết của nick Huy Le khiến độc giả lẫn giới văn chương xôn xao.
“Giật cả mình”
Huy Le đã đưa ra ảnh chụp bốn trang đầu quyển truyện Chiếc lá thuộc bài của nhà văn Nguyễn Thái Hải mới được tái bản, bức xúc viết: “Giật cả mình... các bạn hãy thử nhìn các ảnh mình chụp ở cuốn tái bản 2017 với chi chít những chỗ mà mình sửa theo bản trước năm 1975. Và đặc biệt, cái ảnh mình có đóng khung đỏ để thấy nó khác biệt như nào!... Đừng để Tuổi Hoa trở lại với đời nay trong xa như vậy!...”.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải, tác giả Chiếc lá thuộc bài, viết trên Facebook: “Sau những gì đã và đang xảy ra quanh một cuốn sách in lại, tôi cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm. Bỗng dưng tôi bị nhiều phía, nhiều người “quăng” lên “sân khấu” khi mình chỉ được biết việc in sách lúc nó đã phát hành!”.
Nhà văn Tôn Nữ Thu Dung, tác giả truyện Ngày tháng nào, hiện sống tại Mỹ đã viết trên trang mạng của mình: “Những tác phẩm của Tủ sách Tuổi Hoa trước năm 1975 đều đã bán đứt bản quyền cho nhà văn Nguyễn Trường Sơn. Mặc dù nhà văn Nguyễn Trường Sơn đã mất nhưng quyền thừa kế là của vợ con nhà văn đang sống tại Pháp và Cali, hoặc người được ủy quyền là GS Quyên Di”. Nhà văn này cũng khẳng định khi trao đổi cùng bạn bè là tác giả sách Tuổi Hoa khác rằng: “Đã nhất trí với anh Quyên Di không cho phép sửa một chữ nào nếu họ muốn in lại”.
Các bìa sách Tuổi Hoa được tái bản. Ảnh: HB
Phải đo lường cảm xúc người đọc
Nhà thơ Lê Minh Quốc nói: “Thời còn bé tôi đã đọc nát các truyện Tuổi Hoa. Tủ sách Tuổi Hoa có giá trị giáo dục, phù hợp với lứa tuổi mới lớn vào thời nó ra đời và phát triển. Truyện Tuổi Hoa tái bản vào thời nay phục vụ số đông độc giả lớn tuổi hoài niệm lại thời tuổi nhỏ. Không có một nhà xuất bản nào có quyền sửa tác phẩm của một nhà văn khi tái bản nó, chỉ trừ khi được tác giả/chủ sở hữu tác phẩm cho phép hay tác giả tự sửa. Với Tủ sách Tuổi Hoa, quan điểm của tôi là không nên sửa khi tái bản. Sửa để làm gì? Bởi nhân vật đã sống trong không gian khi đó, kiểu cách ăn mặc, phương tiện đi lại, lời ăn tiếng nói, môi trường giáo dục, văn hóa, xã hội… khi đó.
Nếu có chuyện tác giả tự sửa thì đó là quyền của tác giả. Tuy nhiên, bạn đọc có chấp nhận tác phẩm đã sửa hay không là chuyện khác. Trước đây độc giả đã đọc như thế, đã chấp nhận câu chuyện, chữ nghĩa như thế, đã quen với cảm nhận cũ thì khó thể chấp nhận tác phẩm đã sửa đổi”.
Theo nhà thơ-nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, trong bối cảnh đang khan hiếm tác phẩm dành cho tuổi học trò, tái bản tủ sách này là một hành động kịp thời và đáng trân trọng. Tuy nhiên, có nhiều tác phẩm do độ lùi thời gian và quan niệm xã hội thì cần có những chú thích hợp lý. Chỉnh sửa nguyên tác các truyện Tuổi Hoa là điều không nên, chỉ cần chú thích đầy đủ.
Đơn vị làm sách nói gì?
Chiều 14-7, Công ty Sách Phương Nam đã có thông cáo báo chí. Công ty Sách Phương Nam cho biết: Việc tái bản Tủ sách Tuổi Hoa có sự chấp thuận của nhà văn Quyên Di. Trong ấn bản lần này, Phương Nam Book và NXB Phương Đông đã sử dụng tranh bìa bản in trước năm 1975, được cập nhật và cung cấp bởi chính họa sĩ ViVi. Việc thay đổi nội dung sách Chiếc lá thuộc bài, Phương Nam Book in lại nguyên bản của bản in năm 1993. Bản này đã được tác giả biên tập, điều chỉnh. Bản in 2017 của Phương Nam Book cũng đã ghi rõ thông tin: “Viết lại năm 1993”.
Quan điểm của Sách Phương Nam như sau: “Cái hay của tác phẩm là nội dung, các nhân vật chỉ là hư cấu. Tác giả chỉ thay đổi nghề nghiệp của nhân vật cho phù hợp và nội dung tác phẩm không hề thay đổi. Tại sao chúng ta cứ phải làm cho vấn đề trở nên nặng nề…”.
Với thông cáo báo chí này, Công ty Sách Phương Nam chưa trả lời đủ các thắc mắc của độc giả: Việc giữ nguyên tác ở những tác phẩm còn lại trong tám quyển truyện Tuổi Hoa như thế nào, có sửa đổi hay không? Có hay không việc chưa thỏa thuận được tác quyền thì đã tái bản và việc thương lượng bản quyền chỉ diễn ra khi câu chuyện xôn xao trên mạng?
PV Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với các nhà văn có tác quyền trong vụ việc trong và ngoài nước và đang chờ hồi âm để thông tin đến độc giả.