Tại đây, nhiều học giả đã có những chia sẻ rất thú vị về văn hóa Việt vừa đóng vai trò thúc đẩy, cũng vừa là rào cản trong việc hình thành tinh thần công dân có trách nhiệm với xã hội.
TS Đặng Hoàng Giang (TS trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo), hiện là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng), bày tỏ quan điểm của ông về sự tử tế. Ông nói: “Tử tế là chấp nhận người khác biệt với mình, với tinh thần là có thể họ đúng ta sai. Điều này rất khó với người Việt. Người Việt không muốn chấp nhận điều này. Ai cũng có thể là một chuyên gia về giáo dục, chuyên gia quy hoạch đô thị, chuyên gia đánh vần, chuyên gia về nhạc giao hưởng. Ai khác biệt với ta thì đó hoặc là ngớ ngẩn, hoặc là phản quốc”.
Theo ông, chúng ta cần xây dựng lại hệ thống giá trị từ trong gia đình. Mỗi người phải là một công dân có trách nhiệm. Mỗi cá nhân cần biến tinh thần công dân thành một nhu cầu chứ không phải xem đo là gánh nặng phải theo đuổi. Ông nói: “Chúng ta phải có nhu cầu làm việc tử tế ngay cả khi không ai biết. Vai trò của Nhà nước là phải tạo dựng không gian cho tinh thần công dân nảy nở”.
TS nhân học văn hóa-xã hội Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa) cho rằng văn hóa Việt Nam thú vị ở chỗ nó rất linh hoạt. Người Việt Nam rất đề cao cộng đồng nhỏ dựa trên quan hệ quen biết, tình cảm như gia tộc, làng xã. Họ sẵn sàng hy sinh cả lợi ích cá nhân hay lợi ích cộng đồng lớn cho cộng đồng nhỏ. Họ sẵn sàng che đậy, bao che cho nhau. Vì thế, văn hóa tham nhũng ở Việt Nam rất khó chống, bởi văn hóa của Việt Nam dung dưỡng cho tham nhũng.
Bà nói: “Người Việt hay nói một người làm quan cả họ được nhờ, dù cái nhờ ấy có thể phải tham nhũng hay vi phạm pháp luật. Việc không giúp đỡ gia tộc còn bị phán xét ghê gớm hơn là tham nhũng. Bởi vậy nó có ảnh hưởng khá lớn trong tinh thần công dân. Gia tộc huyết thống là vô cùng quan trọng”.
Theo TS Phạm Quỳnh Phương, xã hội ngày nay đang khủng hoảng niềm tin khá trầm trọng. Cuộc khủng hoảng này đặt Việt Nam vào những rủi ro mới. Nó cũng mang tới những cơ hội mới, tạo ra những nhân tố mới thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn. Người Việt Nam quá linh hoạt nên họ không rơi vào cực đoan.
Bà nói: “Tinh thần công dân không phải sinh ra đã có, mà nó được bồi đắp trong quá trình chúng ta lớn lên. Để xã hội ổn định và đi lên, cần phát huy tinh thần công dân, ai cũng có thể tham gia có trách nhiệm, tham gia xây dựng hệ giá trị cho bản thân và xã hội để đi đến văn minh”.