Từ tháng 5, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm phải có mái che

Từ ngày 1-5, Nghị định 31/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực. Theo đó, đối với nơi tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính là nhà, kho, bãi, phải đáp ứng một số điều kiện về an toàn.

Trước đây, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm để ngổn ngang ngoài trời. Ảnh: L.THY

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 6 nghị định này quy định nơi tạm giữ phương tiện phải bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra vào, nội quy về bảo vệ môi trường, PCCC.

Thứ hai, nơi này phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí, trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa nắng.

Đặc biệt, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định đối với phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà chủ phương tiện không đến nhận sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Điều 17 quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Sau đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.

Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận. Trường hợp không xác định được người vi phạm và trong thời gian niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới