Tư thế lái thế nào là tốt?

 Cho dù là xe du lịch hay các dòng xe đa dụng, việc điều chỉnh vị trí và tư thế lái luôn có những nguyên tắc chung. Điều đó không chỉ giúp lái xe thoải mái nhất, xử lý tốt nhất, mà nhiều trường hợp còn tốt nhất cho sức khỏe.

Hãy cùng xem những kinh nghiệm của tay đua Stefan Claudiu David – huấn luyện viên chính cho BMW trong các chương trình trải nghiệm, và ngẫm nghĩ xem hằng ngày chúng ta đã điều chỉnh vị trí và tư thế lái tốt nhất hay chưa:

1. Nệm ghế: Khoảng cách từ nệm ghế tới các pedal điều khiển (chân côn, ga và phanh) hợp lý nhất là khi người lái đạp phanh hết cỡ mà chân vẫn hơi trùng một góc khoảng 30 độ. Nếu chân bị trùng quá thì ghế lái bị gần quá, lực đạp phanh sẽ không thể đạt mức tối ưu. Còn nếu chân bị thẳng thì nghĩa là ghế lái bị xa, người lái thậm chí sẽ phải rướn người khi phanh gấp, hoặc nguy hiểm hơn là không thể đạp phanh hết cỡ.

Chân thẳng và cứng khi phanh gấp còn dẫn tới tác lại nữa là hông của người lái sẽ bị bẻ lệch do lực quán tính làm thân người dồn không đều về trước.

2. Lưng ghế: Tùy theo loại xe mà lưng ghế có thể được điều chỉnh ngả ra phía sau nhiều hay ít. Thông thường, trên các loại xe vị trí lái thấp (xe thể thao hay sedan) ghế ngả nhiều hơn so với ghế trên các dòng xe đa dụng hay xe tải. Cách kiểm tra lưng ghế phù hợp nhất là hãy đạp phanh thật mạnh mà lưng người lái không bị trượt lên phía trên, gây mất lực phanh.

3. Gối tựa đầu: Gối tựa đầu ở vị trí lý tưởng là khi phần giữa của gối ở ngang tầm với mắt người lái. Khoảng cách từ đầu người lái đến gối tựa đầu chỉ khoảng 2,5 – 3cm là phù hợp nhất. Gối tựa đầu quá gần sẽ làm cho người lái cảm thấy vướng víu khi cử động, còn nếu quá xa thì sẽ nguy hiểm, khiến cho xương cổ của người lái có thể bị tổn thương trong trường hợp bị đâm mạnh từ phía sau.

4. Vô-lăng: Vị trí vô-lăng hợp lý là ở khoảng cách từ 30 – 40cm trước ngực của người lái và hai tay của người điều khiển luôn hơi trùng (khoảng 40 độ) khi đặt lên vành tay lái.

Việc điều chỉnh khoảng cách vô-lăng còn liên quan đến hoạt động của túi khí. Nếu vô-lăng quá gần, mặt của người lái có thể sẽ bị thương khi túi khí bung ra trong trường hợp va chạm. Nếu vô-lăng quá xa khiến tay thẳng khi đặt trên vô-lăng, thì xương bả vai của người lái có thể sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp phanh gấp do lực quán tính tác động. Còn độ cao của vô-lăng lý tưởng nhất là khi người lái có thể thấy toàn bộ thông tin trên bảng đồng hồ khi liếc qua nửa phía trên của ô thoáng giữa vành vô-lăng.

5. Gương chiếu hậu ngoài: Đúng như cái tên mà người ta đặt cho nó, gương ngoài giúp lái xe quan sát phía sau xe. Tuy nhiên, người lái cần biết điều chỉnh góc chiếu để giảm tối đa điểm khuất. Trong điều kiện di chuyển thông thường (trừ khi lùi xe), thì vị trí gương lý tưởng là khi người lái nhìn qua gương chỉ thấy một dải rất hẹp của phần đuôi và cản sau của xe.

6. Gương trong: Ở tư thế ngồi thoải mái nhất, người lái nhìn thấy toàn bộ ô kính hậu thì có nghĩa là gương chiếu hậu bên trong đã được điều chỉnh đúng. Việc chỉnh lệch có thể khiến người lái không thể quan sát hết những phương tiện hay chướng ngại vật gần hai bên góc đuôi xe, mất an toàn trong những trường hợp như lùi hay đỗ xe.
 

Đai an toàn trên xe bạn còn tác dụng?

Thắt đai an toàn trước khi cho xe di chuyển đã trở thành thói quen của nhiều người. Nhưng thử đặt câu hỏi là liệu có bao nhiêu phần trăm số lái xe kiểm tra xem đai an toàn còn hoạt động tốt hay không? Rất có thể một ngày nào đó, khóa đai an toàn bị hư hỏng và không hoạt động khi phanh gấp hay va chạm.

Vì vậy, đừng quên thử giật mạnh đai an toàn sau khi đã cài chốt để chắc chắn rằng khóa đai an toàn vẫn còn phát huy tác dụng.

Theo  Autocar Vietnam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới