Mới đây, Pháp Luật TP.HCM thông tin “Trào lưu ‘bắt pen cổ gây xỉu’: Coi chừng đột quỵ do thiếu máu” về nội dung giới trẻ có trào lưu dùng 2 tay nhấn vào động mạch ở cổ. Trào lưu này đang được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều học sinh - sinh viên bắt chước làm theo.
Thông tin trên nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc.
Trào lưu "bắt pen" quá nguy hiểm!
Bạn đọc Mai84 bình luận: "Vùng cổ là vùng nhạy cảm rất nguy hiểm dù đằng trước hay sau, bên trái hay bên phải. Tôi là một người học võ, nên việc tránh sự tác động ở cổ rất cần thiết, nếu có sự tác động lên cổ, nhẹ thì liệt tay chân - nặng thì liệt từ cổ trở xuống. Các bạn trẻ bây giờ thích nghịch dại quá".
Bạn đọc Trần Châu bình luận: "Các em học sinh có thể chưa lường trước nguy hiểm nên tham gia theo phong trào, trào lưu nguy hiểm như vậy. Trào lưu bắt pen này là một trò dại dột, nhà trường cần cảnh báo đến các em và phụ huynh nhắc nhở con em mình.
Cùng quan điểm, bạn đọc LyThien97 bình luận: "Mỗi lần xem video bắt pen trên mạng tôi đều cảm thấy rùng mình. Một giây không cẩn thận có thể dẫn đến tử vong. Mong rằng các bạn dừng lại trào lưu nguy hiểm. Trào lưu này giống như siết cổ vì thiếu máu lên não ngất đi trong khi chưa bị ngạt. Nhớ thời học sinh tôi từng bị đứa bạn dùng khăn đỏ siết cổ làm tôi ngất, nó bỏ ra tôi tỉnh dậy luôn.
Các nền tảng mạng xã hội cũng nên có quy định nghiêm ngặt về các nội dung có thể gây hại sức khỏe. Đồng thời, cần có những biện pháp để ngăn chặn thông tin sai lệch và các video có nội dung nguy hiểm".
Nhiều trò đùa nghịch dại, tác hại khó lường
Trước trò ‘bắt pen cổ gây xỉu’ mới đây, không ít lần chúng ta cũng chứng kiến nhiều trò chơi đùa tai hại khác.
Sáng 7-11-2023, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa thông tin về trường hợp bé trai 8 tuổi nhập viện sau khi vô tình ngồi vào chiếc bút dựng ngược khi chơi đùa cùng các bạn trong lớp học, gây thủng trực tràng.
Theo theo chia sẻ của chị Thảo Hiền, ngụ quận Phú Nhuận, chị từng là nạn nhân của những trò nghịch dại thời cấp 3.
"Tôi đã bị gãy tay do trò chơi "khâm" rút ghế. Tôi được cô giáo gọi đứng lên trả lời, sau đó lúc sắp ngồi xuống, bạn học ngồi kề cạnh đã rút ghế chỗ khác khiến tôi bị ngã nháo nhào ra phía sau. Do tôi dùng tay chống xuống đất bất ngờ bị gãy cổ tay", chị Hiền nói.
Tương tự anh Chí Tài, ngụ quận 12, cho biết thời học cấp 3 cũng từng chứng kiến nhóm bạn nam treo lơ lửng một bạn nữ ở ngoài ban công. Trò đùa này khiến các bạn cười rất thích thú.
"Lỡ không may nếu một trong số bạn nam kia tuột tay thì không biết hậu quả sẽ thế nào", anh Tài nói.
Trò đùa vốn là một phần của cuộc sống, mang lại tiếng cười và sự gắn kết mọi người. Tuy nhiên, khi trò đùa bị quá trớn hoặc không được kiểm soát đúng cách, chúng có thể biến thành những tai họa nguy hiểm, gây ra thương tích, thậm chí ảnh hưởng đến cả mạng sống.
Do đó, hãy tránh xa những trò đùa tưởng vô hại nhưng đã dẫn đến hậu quả khôn lường.