Tư vấn phân luồng học sinh: Mạnh trường nào trường đó nói

(PLO)- Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn, trong các buổi tư vấn phân luồng học sinh, mạnh trường nào trường đó nói khiến học sinh bị rối.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-9, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.

Học sinh rối khi nghe tư vấn phân luồng

Sau nhiều lần trực tiếp đi tư vấn tại một số trường THCS, ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn, nhận xét giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa chuyên nghiệp, cần phải được đào tạo và bồi dưỡng thêm.

tư vấn phân luồng
Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cạnh đó, việc tổ chức tư vấn phân luồng tại các trường chưa tập trung. "Tôi thấy các đơn vị tham gia đều giới thiệu tất cả ngành nghề của trường mình, mạnh trường nào trường đó nói khiến học sinh bị rối thông tin, khó định hướng nghề nghiệp" - ông Đại nêu.

Theo ông Đại, để công tác tư vấn hiệu quả, vai trò của phòng GD&ĐT rất quan trọng. Họ phải tổ chức hội nghị tập trung, trong đó có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng các đơn vị này giới thiệu dàn trải mà chỉ tập trung vào những ngành nghề thế mạnh, then chốt.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp nhìn nhận công tác phân luồng thời gian qua đã đạt được những hiệu quả tích cực, tỉ lệ học sinh lựa chọn vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng.

DSC09906.JPG
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Cách đây khoảng 10 năm, khi chúng tôi còn làm nghề dự báo nhân lực, học sinh vào đại học lên đến 98%. Hiện tỉ lệ này chỉ còn khoảng 80% thậm chí 70%, nhiều em đang hướng vào giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là bậc cao đẳng” - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hạn chế của tư vấn phân luồng tại các trường học là hiện không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Cùng với đó, nhiều trường chưa đưa học sinh đi thực tế, tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty để tìm hiểu ngành nghề yêu thích. Cơ sở vật chất không đủ điều kiện để tổ chức những loại hoạt động hướng nghiệp khác nhau.

Ngoài ra, hình thức các buổi hướng nghiệp rập khuôn dẫn đến hạn chế về cung cấp thông tin ngành nghề. Đặc biệt, tâm lý chưa xem trọng cấp bậc học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề còn phổ biến trong nhiều gia đình.

Nên thêm nguyện vọng vào trường nghề khi thi lớp 10

Tại hội nghị, ông Đại đề xuất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, Sở GD&ĐT xem xét có thêm nguyện vọng vào các trường nghề ngoài 3 nguyện vọng như hiện nay để học sinh lựa chọn. Điều này sẽ phần nào giúp giáo viên chủ nhiệm lớp 9, các trường THCS định hướng phân luồng với học sinh có nhu cầu.

Đồng tình, ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng đề xuất trên sẽ tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh nắm bắt thông tin rõ hơn về các trường nghề.

tu-van-phan-luong.jpg
Lễ ký kết phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH và Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong khi đó, ông Tuấn đề nghị cần có một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề. Trong trường phổ thông, tư vấn hướng nghiệp phải là chương trình chính khoá, có giáo viên chuyên trách, có kinh phí hoạt động.

Còn đại diện Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh tư vấn hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông có vai trò quan trọng, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp từ sớm. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn từ khối lượng công việc đối với giáo viên đến sự thiếu hụt về cơ sở vật chất.

Do đó, để nâng cao chất lượng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, cần cải thiện chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tăng cường thực hành, cập nhật công nghệ, hỗ trợ tư vấn tâm lý. Song song đó là hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đồng thời nâng cao chuyên môn của giáo viên qua các khoá bồi dưỡng.

Đặc biệt, mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần được chú trọng, tạo môi trường trải nghiệm thực tế và định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho học sinh.

Tạo sự bình đẳng cho trường nghề khi tư vấn hướng nghiệp

Theo báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp tăng khoảng 26,19%.

tu-van-phan-luong-1.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tập trung tuyên truyền hướng nghiệp cho giáo viên và phụ huynh sao cho phù hợp với điều kiện từng học sinh. Sở GD&ĐT phải tạo điều kiện cho các trường nghề tiếp cận và tham gia bình đẳng trong các chương trình tuyển sinh.

Các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên đứng lớp. Chúng ta đào tạo nghề nhưng trang thiết bị từ cách đây 20 năm thì làm sao thu hút được học sinh, hấp dẫn được doanh nghiệp?

Cạnh đó, các đơn vị phải nghiên cứu kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từ đó biết thị trường lao động đang cần gì để đón đầu và chuẩn bị nguồn nhân lực.

TRẦN THỊ DIỆU THÚY - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm