Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hanson Vina (KCN Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương) nêu những vướng mắc tại tọa đàm “Thủ tục khiếu nại và hoạt động tư vấn pháp lý cho người lao động” do Quỹ Châu Á, Báo Lao Động và Văn phòng Quyền Lao động thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phối hợp tổ chức, tại TP.HCM, sáng 30-5.
Bà Hằng cho rằng, chính vì cách hướng dẫn, tư vấn không rõ ràng nên mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp không ổn định, khiếu nại, kiện tụng gia tăng. Trong khi đó người lao động (lao động phổ thông) có trình độ chưa cao, thủ tục giải quyết khiếu nại không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ trong việc quyết định tiếp tục theo đuổi vụ kiện hay quyết định dừng lại.
Khi dừng lại quyền lợi của họ có thể bị mất, nhưng nếu đi tiếp liệu người lao động có đủ công sức, thời gian, tiền bạc để đeo đuổi. Chung quy lại rất nhiều người lao động đã chọn giải pháp dừng việc khiếu kiện đi tìm công việc mới để mưu sinh. “Đây cũng là một hệ lụy tiêu cực đang dần dần hình thành trong suy nghĩ của người lao động, điều này khiến mất đi niềm tin của họ vào công lý và họ chuyển dần sang chấp nhận quyết định của chủ doanh nghiệp dù có thỏa đáng hay không”, bà Hằng nêu.
Từ lý luận và thực tiễn tại doanh nghiệp, bà Hằng đề xuất: Quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người lao động thủ tục cần đơn giản hơn để đảm bảo tất cả những người lao động bị xâm phạm quyền lợi đều dễ dàng khiếu kiện theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá vẫn còn tồn tại nhiều quy định chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế và mong muốn của người lao động. Do vậy công tác tư vấn pháp luật cho người lao động rất quan trọng nhất là ở cơ sở, tạo niềm tin cho người lao động khi họ cần trợ giúp.
Chiều cùng ngày, Ban tổ chức (Tổng LĐLĐ Việt Nam, Báo Lao Động và Quỹ Châu Á và Văn phòng Quyền Lao động thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ) đã trao giải Cuộc thi “Thủ tục khiếu nại lao động và hoạt động tư vấn pháp lý”.