Ngày 31-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên tòa xử vụ Bùi Hữu Nhơn (sinh năm 1974), Bùi Hữu Phú (sinh năm 1975) bị truy tố về tội giết người. Vụ án này còn có nhiều điều đáng bàn về tội danh truy tố, các bị cáo có thể đã bị tội nặng hơn so với hành vi phạm tội của mình.
Án mạng từ tranh chấp mấy cây tràm
Theo hồ sơ, năm 2006 hai anh em Nhơn, Phú làm rẫy của gia đình tại ấp Thái An, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai thì xảy ra mâu thuẫn với chủ đất giáp ranh là hộ ông Võ Văn Bảnh.
Nguyên nhân do hai bên đều cho rằng các cây tràm làm mốc ranh giới là của mình. Mâu thuẫn âm ỉ kéo dài gần 10 năm vẫn chưa hóa giải được.
Khoảng 8 giờ ngày 29-7-2015, Nhơn, Phú đến rẫy chặt cây tràm thì ông Bảnh cùng con trai tên Võ Hữu Tín ra ngăn cản. Tín cầm ná cao su bắn Nhơn; Phú nhìn thấy lao vào ngăn cản. Không dừng lại, Tín rút dao Thái Lan ra tấn công Phú. Phú tước được con dao rồi mang đến công an xã trình báo.
Khoảng 16 giờ cùng ngày, Nhơn, Phú ra về bằng mô tô, cầm theo hai cây tầm vông để phòng thân. Khi Nhơn, Phú chạy ngang qua nhà ông Bảnh, ông Bảnh cùng ba người con cầm hung khí chạy ra tấn công Nhơn, Phú.
Võ Hoàng Thanh Nhung (con ông Bảnh) đứng trong hàng rào cầm đá ném trúng bảng số xe của Nhơn. Võ Hoàng Thanh Sang (con ông Bảnh) cầm gạch và tuýp sắt, ông Bảnh cầm một khúc cây, người còn lại cầm rựa chạy ra cùng tấn công Nhơn, Phú.
Sang cầm tuýp sắt đánh Phú, Phú dùng cây đỡ và đánh lại hai cái vào đầu Sang.
Nhung cầm cây xông tới đánh Nhơn thì Nhơn đỡ được, hai người giằng co với nhau. Cùng lúc, Phú quay sang dùng cây đánh vào đầu Nhung làm Nhung gục xuống đất.
Thấy không còn ai tấn công nữa, Nhơn và Phú đến công an xã tự thú, giao nộp hai cây tầm vông. Cả hai bị CQĐT tạm giam cho đến nay.
Hậu quả vụ đánh nhau làm Sang chết tại bệnh viện sau hai ngày cấp cứu, Nhung bị thương tật 30%.
Hai bị cáo Nhơn (trái), Phú lúc chưa bị bắt. Ảnh: Gia đình bị cáo cung cấp.
Phía bị hại tấn công các bị cáo trước
VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố Nhơn, Phú về tội giết người theo điểm a khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là giết nhiều người, có khung hình phạt 12-15 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cáo trạng cũng kết luận Bảnh, Tín, Nhung có hành vi sử dụng hung khí tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng nên có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng. CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai chuyển vụ việc cho Công an huyện Vĩnh Cửu để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9-2016 (do TAND tỉnh Đồng Nai xét xử), Nhơn và Phú cho rằng hành vi của mình chỉ là tự vệ nên không phạm tội giết người. Luật sư bào chữa của họ nói hai bị cáo đã chống đỡ bị hại trong tình trạng bị tấn công nên chỉ phạm vào Điều 96 BLHS (giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hình phạt là cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm).
Đại diện VKS vẫn giữ quan điểm truy tố. Theo VKS, bên phía bị hại cũng có phần lỗi là đã tấn công các bị cáo trước. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị xử Phú 14-16 năm tù, Nhơn 7-8 năm tù.
HĐXX nhận định: Phía bị hại khai không ai cầm hung khí là không có cơ sở. Bởi phía bị hại đã sử dụng dàn ná, dao Thái Lan và cây để thách thức trước. Vật chứng thu giữ có cục đá ong bị xước, bảng số xe bị móp, cây tầm vông có dấu dao chém. Nhân chứng xác định hiện trường còn có một con dao. Có đủ cơ sở xác định các bị hại đã cầm hung khí.
Theo HĐXX, phía bị hại khai Phú đánh chết Sang, còn Nhung bị Nhơn đánh. Nhơn và Phú đều khai chỉ có Phú đánh cả Sang và Nhung. Từ đó, HĐXX kết luận Phú là người gây ra cái chết cho Sang và gây ra thương tích cho Nhung. Nhơn là đồng phạm tích cực đã cầm hung khí phía là cây tầm vông chống trả đánh lại phía bị hại, tạo điều kiện cho Phú phạm tội.
HĐXX cho rằng hai bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, chưa có tiền án, tiền sự, gia đình có công với cách mạng. Gia đình bị cáo đã nộp 40 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Phú 16 năm tù, Nhơn tám năm tù.
Về dân sự, Phú phải bồi thường hơn 145 triệu đồng cho gia đình Sang, Nhơn phải bồi thường cho Nhung 34 triệu đồng. Ngoài ra, Phú còn phải cấp dưỡng cho hai người con của Sang (sinh năm 2010 và 2014) cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Nhơn, Phú đồng kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội giết người.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 31-3, phía bị hại và nhân chứng vắng mặt không rõ lý do nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Chúng tôi sẽ thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Phòng vệ chính đáng 1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 15 BLHS) Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tù từ hai đến năm năm. (Điều 96 BLHS) |