Từ vụ 2 bé gái bị bắt cóc: Bảo vệ trẻ nhỏ ở nơi đông người như thế nào?

(PLO)- Để bảo vệ trẻ nhỏ ở nơi đông người, chuyên gia cho rằng giáo viên và phụ huynh cần lập kế hoạch cụ thể, rõ ràng để rèn luyện phản xạ cho trẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự việc liên quan đến 2 bé gái bị bắt cóc tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM gây xôn xao dư luận thời gian qua. Mặc dù cơ quan chức năng đã kịp thời bắt giữ hung thủ và giải cứu thành công cho 2 em nhỏ song đây cũng là một tín hiệu cảnh báo, đặc biệt đối với các bậc phụ huynh, cần lưu ý để bảo vệ trẻ nhỏ ở nơi đông người.

Thời gian qua trên cả nước cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn. Mục đích của bọn bắt cóc đa dạng, bao gồm đòi tiền chuộc, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động….

2 bé gái bị bắt cóc

Với các bé nhỏ dưới 3 tuổi, nhiều phụ huynh cho biết chỉ có thể theo sát con tỏng suốt quá trình đưa con đi chơi ở chỗ đông người. Ảnh: Ngọc Thảo

Cụ thể, vào tối 3-4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, 2 bé gái N.K.T.M. (7 tuổi) và L.H.T.L (3 tuổi) bị bắt cóc nhằm mục đích quay clip khiêu dâm. Sau 42 giờ truy lùng, công an đã giải cứu thành công hai bé gái và bắt giữ nghi phạm.

Nhưng có 1 số trường hợp đáng tiếc xảy ra như vào tháng 9-2023, tại Hà Nội xảy ra một vụ bắt cóc một bé gái 21 tháng tuổi đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc, hung thủ sợ bại lộ nên đã ra tay sát hại cháu bé rồi tự sát.

Vậy làm thế nào để phòng ngừa loại tội phạm này? Các bậc phụ huynh cần trang bị cho con mình những kỹ năng hay có các biện pháp gì để bảo vệ trẻ nhỏ ở nơi đông người?

Chia sẻ với PLO, chị Ngọc Thanh cho biết: “Bé nhà chị mới 3 tuổi, còn quá nhỏ chưa đủ nhận thức để ứng biến trong những trường hợp đó, việc dạy bé cũng gặp rất khó khăn nên nếu có dắt bé ra ngoài chơi thì sẽ chú ý và giám sát 100% để tránh đi lạc và bị kẻ gian dụ dỗ”.

Cùng chung quan điểm, chị Ánh Vy cũng chia sẻ: “Bé lớn thì dạy rất dễ, có thể dạy bé ghi nhớ số điện thoại hay địa chỉ nhà này kia, còn bé nhỏ tầm 2-5 tuổi thì rất khó vì bé chỉ bám theo ba mẹ nên cách an toàn nhất vẫn là trông coi kỹ, đi đâu cũng dắt bé theo”.

Chị Hương Cẩm cũng cho rằng: Cuối tuần, chị hay dắt bé đi chơi ở những nơi công cộng và chỉ cho bé chơi trong phạm vi mà chị có thể giám sát được, chị cũng dặn dò bé rất kỹ là không được nói chuyện hay nhận bánh kẹo từ người lạ và dạy bé ghi nhớ số điện thoại của ba mẹ để phòng trường hợp đi lạc. Ngoài ra chị cũng trang bị cho bé 1 chiếc đồng hồ thông minh có định vị để lúc phát hiện bé đi lạc có thể dò tìm ra được vị trí của bé ngay. Chị Cẩm nói thêm: “Bé ở độ tuổi này rất hiếu động và thích khám phá nên nếu vì sợ con trẻ bị bắt cóc mà giữ con trẻ ở nhà hoài cũng không tốt”.

Trao đổi với PV, Thạc sĩ tâm lý Thái Đình Lãm, giảng viên tham vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng sống tại trường đại học FPT cho rằng: Việc gia tăng các vụ bắt cóc gần đây ở những nơi công cộng cho thấy có sự chủ quan, lơ là của người lớn hay các yếu tố khách quan khác làm cho ta ít quan tâm đến sự an toàn của trẻ. Đồng thời, những vụ việc đau lòng vừa qua cũng cho thấy chùng ta vẫn cứ tâm lý “chữa” rồi mới “phòng” , tức khi có việc mới giật mình, các bậc phụ huynh hay nhà trường mới tìm đến hay tổ chức các chuyên đề, các buổi tập huấn, nhưng quên mất rằng phòng và rèn giũa ngay từ đầu cho con trẻ vẫn hơn.

Ths Thai Dinh lam.jpg
Thạc sĩ Thái Đình Lãm

“Đây là vấn đề khá cấp bách về việc gia đình các bậc cha mẹ cần quan tâm và chú trọng nhiều hơn vào việc rèn “tính kỷ luật” cũng như các “giá trị sống” và “kỹ năng sống”, từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ nhỏ ở nơi đông người”,

Theo TS Thái Đình Lãm, hai kỹ năng quan trọng cần tập cho trẻ đó là:

- Rèn giũa tính kỷ luật cho con: Dạy cho con biết chơi ở nơi nào là an toàn, nhận diện được người thân và chỉ được đi hay nghe theo lời người mà ba mẹ căn dặn trước, có sự xác nhận của ba mẹ thì mới được làm.

- Giáo dục các kỹ năng phòng chống: Dạy cho trẻ cách từ chối, ứng phó với hoàn cảnh khó khăn như học thuộc địa chỉ nhà hay số điện thoại của ba mẹ hay người thân phòng khi đi lạc cần sự giúp đỡ hoặc khi có người lạ lại bắt chuyện, cho bánh kẹo hay lôi, kéo đi thì bé phải ngay lập tức “la lớn” để cầu cứu những người xung quanh.

“Để tập và rèn giũa cho bé để những kỹ năng trên trở thành một “phản xạ” quen thuộc thì cần phải có sự phối hợp ở cả hai phía gia đình và nhà trường, cụ thể là giáo viên và phụ huynh, cần phải lập kế hoạch cụ thể, rõ ràng để rèn luyện cho các bạn nhỏ.

Các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà phải tập cho con trẻ tính cẩn thận ở mọi lúc mọi nơi nhất là khi không có ba mẹ bên cạnh; trang bị cho bé các vật dụng hay thiết bị như điện thoại hay đồng hồ thông minh, dạy con trẻ cách sử dụng, khi cấp thiết phải gọi cho ai. Ngoài ra, có thể chuẩn bị các mẫu giấy note dán lên cặp để khi con trẻ gặp vấn đề có thể sử dụng ngay và được hỗ trợ từ người lớn.” - TS Lãm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm