Từ vụ ông Nguyễn Thành Tài: 2 thời điểm xác định thiệt hại

Ngày 2-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

HĐXX nhận định việc xác định thiệt hại của án sơ thẩm là đúng, tức cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Kháng nghị của VKS về việc phải tính thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án đã không được chấp nhận.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa phúc thẩm vụ sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Ảnh: MINH TÂM

Số báo hôm qua, Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận một số ý kiến bàn luận về thời điểm xác định thiệt hại trong vụ án hình sự. Đa số ý kiến đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm rằng thời điểm xác định thiệt hại để xem xét trách nhiệm hình sự phải được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi sai phạm. Đây là một nội dung thường gây tranh cãi tại tòa án cũng như trong học thuật.

Trong số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, về vấn đề này.

Hai mục đích, hai thời điểm xác định thiệt hại

Thời điểm xác định thiệt hại trong vụ án hình sự không là vấn đề mới nhưng rất tiếc là hiện nay vẫn chưa có câu trả lời thống nhất trong thực tiễn.

Trong một vụ án hình sự, vấn đề xác định giá trị thiệt hại (tức là quy đổi thiệt hại thành tiền) có hai mục đích. Cụ thể, sau khi xác định được thiệt hại gây ra, việc xác định giá trị thiệt hại là để xử lý khía cạnh hình sự và việc xác định thiệt hại là để xử lý khía cạnh dân sự. Tuy nhiên, rất thường xuyên việc xác định giá trị thiệt hại như vừa nêu lại bị nhầm lẫn.

Việc xác định giá trị thiệt hại cho hai mục đích trên là khác nhau và tòa có thể tách vấn đề bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) ra khỏi vụ án hình sự để xử lý riêng theo thủ tục dân sự. Do đó, việc xác định giá trị thiệt hại cho mục đích dân sự có thể tiến hành độc lập trong một vụ án dân sự được tách ra khỏi vụ án hình sự.

Thực tế, việc xác định giá trị thiệt hại để xử lý khía cạnh hình sự cần dựa vào các thông tin (như giá trị của tài sản trên thị trường) có ở thời điểm phạm tội để biết mức thiệt hại gây ra xứng với tội danh nào. Tuy nhiên, giá trị thiệt hại để xác định mức độ trách nhiệm dân sự (để ấn định khoản tiền bồi thường) lại phải được xác định ở thời điểm giải quyết bồi thường để khoản tiền bồi thường có thể đủ để mua được tài sản tương tự.

Vì vậy, cơ quan tố tụng cũng như người liên quan phải xác định rõ mục đích xác định giá trị thiệt hại là gì để tiến hành các công việc cho phù hợp như phần nội dung vừa nêu.

Trước sự không thống nhất của thực tiễn hiện nay, TAND Tối cao nên phối hợp với cơ quan liên quan để có thông tư hay nghị quyết hướng dẫn. Bên cạnh đó, TAND Tối cao có thể xem xét phát triển án lệ.

Trách nhiệm hình sự: Sai phạm lúc nào tính thiệt hại lúc đó

Con số giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Đối với các tội danh, nếu quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm thì để kết tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được thiệt hại xảy ra.

Nếu quy định trong các tình tiết định khung thì cũng phải chứng minh có thiệt hại thì mới có thể chuyển khung hình phạt. Do đó, cần xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Cách tính thiệt hại như hiện nay chưa được áp dụng thống nhất. Theo tôi, cần một án lệ cho vấn đề xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự tương tự.

ThS-luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Tính thiệt hại tại thời điểm phạm tội để xử hình sự

Vụ án của cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài mới được xem xét ở cấp phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại TP.HCM. Như vậy nếu xem xét ở cấp độ giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có thể cân nhắc phát triển thành một án lệ theo hướng mà tôi phân tích ở trên.

Thực tế, phân tích nêu trên đã phần nào được thể hiện trong Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT. Ở đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xét rằng: “Khoa học pháp lý và pháp luật hình sự xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là bảy tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật”.

Theo tôi, nhận định trong Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT là hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ đây là việc xác định thiệt hại để xử lý vấn đề về hình sự và đã khẳng định “giá trị” của tài sản là đối tượng bị phạm tội “được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội”.

Vì vậy, TAND Tối cao có thể phát triển đoạn trên thành án lệ để hướng tới áp dụng thống nhất pháp luật về xác định giá trị thiệt hại trong vụ án hình sự. Ở đây, TAND Tối cao cần làm rõ hơn phạm vi áp dụng của án lệ.

Cụ thể, cần nêu rõ hướng của án lệ chỉ để xử lý các vấn đề ở góc độ hình sự, không áp dụng cho các vấn đề ở khía cạnh dân sự như đã phân tích ở trên (không được nhầm lẫn giữa hai mục đích này).

 

Phân định rõ thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự và dân sự

Quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn cho thấy quan điểm của tòa án các cấp có khác nhau đối với từng vụ án về thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ xác định tội danh, mức hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Thiệt hại được giám định tại các thời điểm khác nhau như khởi tố vụ án, xét xử vụ án, thi hành án để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự, trách nhiệm thi hành án, giải quyết mối quan hệ dân sự với người thứ ba...

Theo tôi, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị quyết để thống nhất áp dụng pháp luật trong trường hợp này hoặc có thể công nhận án lệ làm cơ sở thống nhất áp dụng pháp luật xác định thiệt hại trong vụ án hình sự. Cần làm rõ thiệt hại làm cơ sở để định tội và thiệt hại làm cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự.

Theo đó, thiệt hại do tội phạm gây ra tại thời điểm tội phạm hoàn thành là cơ sở để xác định tội danh và khung, khoản, điều luật áp dụng. Những thiệt hại phát sinh sau đó là cơ sở xác định trách nhiệm dân sự để tránh nhầm lẫn thiệt hại định khung hình phạt với thiệt hại mà người phạm tội phải bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự.

TS-luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm