Cách tính thiệt hại 672 tỉ vụ ông Lê Tấn Hùng làm trái

VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ đến TAND TP.HCM vụ ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) cùng đồng phạm trong sai phạm xảy ra tại Sagri.
Cáo trạng nêu các bị can được giao trực tiếp quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản Nhà nước đối với khu đất tại dự án khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (cũ), TP.HCM.
Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các bị can đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật; thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản là tài sản Nhà nước không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là trên 672 tỉ đồng, chưa được thu hồi…
Cơ quan tố tụng đã dựa vào đâu để đưa ra con số thiệt hại nói trên. Trong quá trình điều tra, VKS từng yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung, xác định rõ thời điểm và thiệt hại gây ra từ hành vi này.

Bị can Lê Tấn Hùng. Ảnh: CACC

Ngày 26-12-2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương ban hành Kết luận số 01 xác định giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm ký Hợp đồng chuyển nhượng Dự án ngày 22-12-2017 là hơn 541,2 tỉ đồng; giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án tháng 7-2019 là hơn 864,6 tỉ.
Như vậy, hậu quả thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án này được xác định tại thời điểm Cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án là hơn 672 tỉ đồng. Cụ thể là 864,6 tỉ (giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án) - 168,2 tỉ là giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án) - 20 tỉ (lợi thế thương mại theo thỏa thuận) - 4,27 tỉ (thuế GTGT).
Ngày 27-3-2020 vụ án có kết luận giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Xây dựng. Cạnh đó, hồ sơ còn có các kết luận giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Tài chính (ngày 27-3-2020) và kết luận giám định bổ sung (ngày 22-2-2021)…
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Tổng Công ty Phong Phú đã ký 79 hợp đồng (68 hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai và 11 hợp đồng vay vốn) với tổng giá trị hơn 115,5 tỉ đồng. Hiện nay, người dân mua đất đã tự xây dựng 36 căn nhà, trên tổng số 79 lô đất của dự án. Còn lại 6.350,7m2 đất xây dựng nhà Chung cư và 20.757m2 đất để xây trường học và và công viên, Tổng Công ty Phong Phú chưa huy động vốn của cá nhân, tổ chức nào.
Ngày 19-7-2019, CQĐT Bộ Công an có Công văn đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp…) đối với dự án khu nhà ở tại đây.
Trong vụ án này, Tổng Công ty Phong Phú và cá nhân ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc được xác định là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày 10-602019, ông Trình đã tự nguyện ký Thanh lý huỷ hợp đồng với Sagri. Hai bên thống nhất huỷ Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án và phụ lục.
Quá trình điều tra chưa có căn cứ xác định các cá nhân tại Tổng Công ty Phong Phú có hành vi đồng phạm với các bị can trong vụ án này.
Ngày 2-3-2021, CQĐT Bộ Công an đã làm việc với đại diện Tổng Công ty Phong Phú (trong đó có ông Trình) với tư cách người liên quan. Đối với việc xác định thiệt hại và các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, đại diện Tổng Công ty Phong Phú đề nghị CQĐT Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, xem xét, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như người dân đã nhận quyền chuyển nhượng sử dụng đất tại Dự án Phước Long B.
Ngoài ra, ông Hùng và các đồng phạm khác còn thực hiện các hành vi lập khống chứng từ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô số tiền trên 13,3 tỉ đồng của Sagri.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm