Từ vụ tai nạn của 3 cán bộ tòa Bến Tre: Bị cấm hành nghề lái xe ô tô thì có được lái xe gia đình?

(PLO)- Theo luật sư, nếu bị cáo không bị tước bằng lái (hoặc đã bị tước bằng lái nhưng đã được trả lại) thì luật hiện nay cũng không có quy định nào cấm việc bị cáo lái xe gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO vừa thông tin, sáng 12-9, TAND huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn Cương (55 tuổi - cựu tài xế của TAND tỉnh Bến Tre) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Bị cáo Cương cũng bị cấm hành nghề lái xe ô tô 2 năm kể từ ngày chấp hành án xong.

Từ vụ án này, nhiều bạn đọc thắc mắc nếu một người bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe ô tô thì họ có được phép lái xe gia đình hay không?

HĐXX tuyên án vào sáng nay (12-9). Ảnh: ĐÔNG HÀ

HĐXX tuyên án vào sáng nay (12-9). Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trao đổi với PV, luật sư (LS) Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại Điều 41 BLHS thì: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 1-5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

“Do đó, nếu HĐXX đã tuyên bị cáo Cương hình phạt chính là 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và tuyên hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe ô tô 2 năm thì hình phạt bổ sung này phải được tính “từ ngày bản án có hiệu lực” chứ không phải được tính “kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính””, LS Nguyễn Tiến Hiểu góp ý.

LS Hiểu cho biết thêm, trước đây, đã có ý kiến về việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe nhưng nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Do đó, đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.

Nói cách khác, hiện nay chưa có quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề lái xe nên người hành nghề lái xe cần được hiểu là một người làm dịch vụ chở người, hàng hóa và có thu nhập chính từ nghề này.

Khi tòa án nhận định nghề nghiệp chính của bị cáo Cương là lái xe thì có thể áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe trong một thời hạn nhất định để đảm bảo an toàn cho người khác.

Tuy nhiên, nếu bị cáo không bị tước bằng lái (hoặc đã bị tước bằng lái nhưng đã được trả lại) thì luật hiện nay cũng không có quy định nào cấm việc bị cáo lái xe gia đình, bởi đây là phương tiện của gia đình bị cáo. "Không thể đánh đồng việc hành nghề lái xe (chở người và hàng hóa để kiếm thu nhập) với việc lái xe của cá nhân, gia đình”, LS Hiểu nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm