Từ vụ thẩm phán nhận hối lộ: Khi nào người đưa thoát tội?

(PLO)- Nếu bị o ép, vào tình thế buộc phải đưa hối lộ thì chỉ cần trước, trong hoặc ngay sau khi đưa mà chủ động tố giác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra... thì được xem xét để miễn TNHS cho người đưa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã bắt quả tang ông Võ Đình Sớm, thẩm phán tại TAND tỉnh Gia Lai, đang nhận hối lộ 500 triệu đồng của đương sự ngay tại phòng làm việc của ông ở cơ quan. Trong vụ án trên, chưa rõ người đưa hối lộ có bị xử lý hay không.

Trên thực tế, nhiều vụ án đưa hối lộ, người đưa hối lộ nếu vì bị o ép nên buộc phải đưa (nhưng không tố cáo) thì được giảm nhẹ hình phạt như vụ án chuyến bay giải cứu. Nếu người đưa hối lộ có yếu tố chủ động khai báo, tố cáo, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra thì được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) như trong vụ án ông Trần Hùng.

Hiện nay, khái niệm miễn TNHS chưa được quy định. BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 chỉ đưa ra các căn cứ để xác định người phạm tội được miễn TNHS tại Điều 29. Trong đó, có trường hợp người phạm tội có thể được miễn TNHS nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận, người bị cáo buộc đã đưa hối lộ 300 triệu cho ông Trần Hùng - cựu cục phó Cục Quản lý thị trường- nhưng được cho là đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự tội này. Bà Thuận bị phạt 10 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả,. Ảnh: HIẾU THIỆN
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận, người bị cáo buộc đã đưa hối lộ 300 triệu cho ông Trần Hùng - cựu cục phó Cục Quản lý thị trường- nhưng được cho là đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự tội này. Bà Thuận bị phạt 10 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả,. Ảnh: HIẾU THIỆN

Cần chú ý là khi được miễn TNHS thì người phạm tội không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và không được coi là có án tích. Việc xác định cho một người miễn TNHS khác hoàn toàn với việc xác định người đó có phạm tội hay không. Do đó, cần xác định rõ người phạm tội được miễn TNHS là người phạm tội đã thực hiện hành vi tội phạm nhưng nếu có một trong các căn cứ tại Điều 29 BLHS thì được miễn TNHS, còn người được xác định vô tội là người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

Việc miễn TNHS được áp dụng đối với tất cả loại tội phạm, trong đó có tội đưa hối lộ. Cụ thể, khoản 7 Điều 364 BLHS quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 31-12-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ...) hướng dẫn “chủ động khai báo trước khi bị phát giác” là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ mà mình thực hiện.

Có thể nhận thấy sự khác biệt là đối với tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) không có quy định về miễn TNHS. Bởi đây là loại tội phạm chức vụ, là người lợi dụng chức vụ và quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của cá nhân hay tổ chức khác để hưởng lợi ích. Người phạm tội ở thế chủ động, có ý thức rõ ràng ngay từ đầu khi thực hiện hành vi tội phạm vì mong muốn hưởng lợi ích từ chức vụ của mình. Do đó, BLHS chỉ có quy định về các tình tiết giảm nhẹ cho loại tội này. Còn đối với tội đưa hối lộ, pháp luật khoan hồng ở chỗ nếu người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội; nếu không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn TNHS.

Chính sự khác biệt trên làm trong sạch hàng ngũ cán bộ lãnh đạo và khuyến khích những cá nhân, tổ chức tố giác các hành vi nhũng nhiễu gây sức ép trong các hoạt động đời sống xã hội từ những cá nhân có chức quyền. Nếu những người tố giác mà vẫn phải chịu TNHS thì sẽ không ai dám tố giác. Và như vậy, tệ nạn tham nhũng sẽ không bao giờ bị trừng trị, xã hội sẽ không thể phát triển do sự tiêu cực của xã hội, khó hòa nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thiết nghĩ nếu người đưa hối lộ vì được việc mình mà nhắm mắt đưa hối lộ, gợi lòng tham của người nhận, khiến họ bị tha hóa... thì đương nhiên cần xử nghiêm. Nhưng nếu bị o ép, vào tình thế buộc phải làm thì chỉ cần trước, trong và ngay sau khi đưa mà chủ động tố giác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra... thì nên xem xét để miễn TNHS.

Tội phạm tham nhũng như giặc nội xâm. Vì thế, cần có những biện pháp phòng, chống hữu hiệu từ trong công tác cán bộ đến công tác giáo dục ý thức của từng cá nhân, tổ chức luôn kiên quyết nói không với tệ nạn tham nhũng. Cạnh đó, cần phản ánh kịp thời về những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu dân từ những cán bộ biến chất, cần có những kế hoạch, biện pháp hành chính thông qua hệ thống điện tử đảm bảo việc dân làm - dân giám sát - dân kiểm tra...

Tóm lại, nếu một người có chức vụ, có nhận thức tốt về lối sống và giá trị cuộc sống của mình thì khó lòng bị người khác gây ảnh hưởng đến công việc. Không phải vì lương ít hay cuộc sống khó khăn mà người cán bộ được quyền sa ngã. Cái cốt lỗi là chúng ta cần làm tốt công tác cán bộ, chú tâm vào việc giáo dục đạo đức, lối sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm