Từ vụ 'Xôi lạc TV': Vi phạm bản quyền bị xử lý thế nào?

(PLO)- Điều 225 BLHS quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm; phân phối đến công chúng bản sao với quy mô thương mại sẽ bị xử lý hình sự. 

Như PLO đã đưa tin, ngày 6-9, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết có tình trạng khi các doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn trang web lậu thì các trang này lại đổi địa chỉ IP, tên miền nhanh chóng.

Trong đó, website vi phạm nghiêm trọng nhất là "Xôi Lạc" với 20 tên miền khác nhau, vận hành rất chuyên nghiệp. Vi phạm này không dừng mức xử lý hành chính mà ở mức xử lý cao hơn.

Từ đó, nhiều độc giả thắc mắc đối với hành vi này thì chế tài xử lý vi phạm thế nào?

LS Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm điện ảnh, phim và chương trình phát sóng thể thao… là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Trong một số trường hợp còn phải bồi thường thiệt hại và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng, hoàn trả cho chủ sở hữu quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Tùy theo mức độ vi phạm, các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 14 Nghị định 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Theo Điều 18 Nghị định 131/2013 quy định đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền 15-35 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trường hợp vi phạm đến mức phải chế tài hình sự, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Điều 225 BLHS quy định, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính 50-300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 100-500 triệu đồng... thì bị phạt tiền 50-300 triệu đồng đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, hai lần trở lên, gây thiệt hại trên 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền 300 triệu - 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội quy thì bị phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn tù từ sáu tháng đến hai năm.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền 100-300 triệu đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một năm đến ba năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới