Một nguồn tin cho hay Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đang điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án khu dân cư Cồn Tân Lập (dự án Cồn Tân Lập) ở TP Nha Trang.
Trước đó, ngày 24-12, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Uy, cựu tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang (Sông Đà Nha Trang), đại diện chủ đầu tư dự án Cồn Tân Lập.
Một lô đất bán cho nhiều người
Theo nguồn tin trên, trong thời gian làm tổng giám đốc Sông Đà Nha Trang, ông Nguyễn Chí Uy đã tự ý phân lô phần đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh thuộc dự án Cồn Tân Lập thành các lô đất liền kề rồi bán cho nhiều khách hàng ở Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Thời gian qua nhiều người mua đất tại dự án Cồn Tân Lập liên tục tập trung, căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư dự án này lừa đảo khách hàng. Theo những người mua đất, một lô đất nhưng đã bị chủ đầu tư bán cho nhiều người. Hiện có rất nhiều lô đất có hai, ba người cùng đứng tên. Mặt khác, Sông Đà Nha Trang đã đem phần lớn các lô đất thế chấp ngân hàng. Do đó dù người mua những lô đất này đã nộp đủ tiền, có biên bản bàn giao mốc giới nhưng không thể sang tên sổ đỏ. Theo ông Trần Thanh Tân (ngụ TP.HCM, người mua bốn lô đất tại dự án Cồn Tân Lập), nhiều người phải tự bỏ tiền chuộc lại các lô đất từ ngân hàng.
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ năm 2003 đến 2017, Sông Đà Nha Trang đã xin điều chỉnh quy hoạch đến tám lần. Thế nhưng tháng 11-2019, chủ đầu tư tiếp tục gửi phương án điều chỉnh quy hoạch 1/500 lần thứ chín đến các cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng phát hiện mục đích điều chỉnh quy hoạch lần này của chủ đầu tư là phân nhỏ để tăng số lượng lô đất.
Chẳng hạn, các khu đất biệt thự điều chỉnh từ 12 lô thành 20 lô, khu đất liền kề từ 24 lô thành 33 lô, phân chia đất trồng cây xanh thành các lô đất ở liền kề, giảm diện tích đất công viên, cây xanh… Dù chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng Sông Đà Nha Trang đã bán nhiều lô đất mà chủ đầu tư tự ý chia nhỏ.
Sau 12 năm được giao đất, dự án khu dân cư Cồn Tân Lập vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi chủ đầu tư đã bán đất gần hết. Ảnh: TẤN LỘC
Huy động vốn trái phép
Theo hồ sơ, dự án Cồn Tân Lập được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương cách đây 12 năm trên diện tích gần 6 ha. Khu đất dự án này được xem là đất vàng do có vị trí đắc địa ở trung tâm TP Nha Trang, nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển.
Mặc dù chủ đầu tư cam kết dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và hầu như không triển khai gì. Đến nay toàn khu vực dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Trong khi đó thời gian qua chủ đầu tư đã ba lần cắt đất vàng của dự án để bán.
Trước đó Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Sông Đà Nha Trang 65 triệu đồng về hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Thế nhưng sau đó cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư tiếp tục huy động vốn trái phép tại 91 lô đất biệt thự liền kề. |
Cụ thể, năm 2014, Sông Đà Nha Trang chuyển nhượng quyền thuê lô đất TM2 rộng gần 6.000 m2 ở sát cầu Trần Phú - nơi quy hoạch ban đầu là công viên, cây xanh - để Tập đoàn Mường Thanh xây dựng cao ốc Mường Thanh Khánh Hòa.
Năm 2017, chủ đầu tư tiếp tục chuyển nhượng lô đất TM1 quy hoạch xây dựng công trình thương mại dịch vụ cho Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.
Năm 2018, Sông Đà Nha Trang bán tiếp ba lô đất quy hoạch hỗn hợp - nhà dịch vụ, thương mại, chung cư với tổng diện tích hơn 1,1 ha cho một công ty ở TP.HCM. Điều lạ là cả ba lần UBND tỉnh Khánh Hòa đều đồng ý cho Sông Đà Nha Trang chuyển nhượng các khu đất trên.
Theo giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, phần diện tích của dự án Cồn Tân Lập được quy hoạch để xây các khu biệt thự, nhà để bán, từ năm 2014 Sông Đà Nha Trang đã tự ý phân lô bán nền dưới dạng “hợp đồng góp vốn đầu tư”.
Tháng 11-2019, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu Sông Đà Nha Trang phải chấm dứt ngay việc ký hợp đồng mua bán, nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ, huy động vốn dưới mọi hình thức tại dự án này. Mọi hợp đồng, văn bản do chủ đầu tư ký với tổ chức, cá nhân nhằm mục đích huy động vốn, nhận tiền góp vốn, mua bán bất động sản, chuyển quyền sử dụng đất khi dự án chưa đủ điều kiện đều trái quy định pháp luật, không có giá trị. Lý do là dự án Cồn Tân Lập chưa đáp ứng các điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh. Dự án chưa được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất mà đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Biến đất chỉnh trang đô thị thành đất thương mại Theo hồ sơ, năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án chỉnh trang đô thị - tái định cư dân hai bên bờ sông Cái, TP Nha Trang. Mục tiêu của dự án là xây dựng kè, đường hai bên bờ sông để chỉnh trang đô thị, đồng thời xây dựng năm khu tái định cư tại chỗ cho người dân. Dự án được chia thành ba gói thầu để đấu thầu, trong đó có gói thầu khu tái định cư Cồn Tân Lập. Dự án do Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Tháng 5-2003, Thủ tướng có văn bản đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án trên với yêu cầu “quỹ đất và khu tái định cư cần đảm bảo yêu cầu ổn định đời sống, sản xuất của các hộ dân tái định cư trước mắt và lâu dài”. Tuy nhiên, năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm nhà đầu tư dự án khu dân cư Cồn Tân Lập trên diện tích quy hoạch của khu tái định cư Cồn Tân Lập. Bảy tháng sau, tỉnh Khánh Hòa thu hồi chủ trương trên vì Công ty CP Sông Đà Thăng Long xin rút khỏi dự án do khó khăn về tài chính. Đến năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa lại chấp thuận để Công ty CP Sông Đà Thăng Long liên danh cùng Công ty CP Sông Đà Nha Trang (do người của Sông Đà Thăng Long sáng lập, điều hành) được trở lại làm nhà đầu tư dự án Cồn Tân Lập. Liên danh này do Sông Đà Nha Trang làm đại diện. Tỉnh Khánh Hòa tiến hành giải tỏa 831 hộ, trong đó có 686 hộ bị giải tỏa trắng để lấy đất giao cho Sông Đà Nha Trang thuê dài hạn mà không tổ chức đấu giá. |