Tung tin giả, lãnh hậu quả ra sao?

Mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật về những vụ án đang được dư luận quan tâm. Thậm chí có những tài khoản Facebook còn cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh nhằm đưa ra thông tin sai lệch. Dù là thông tin giả, tin không có căn cứ nhưng vẫn có hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận gây bất an trong dư luận.

Chuyện không nói thành có

Thời điểm hiện nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc cháu L. học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô. Từ khi sự việc xảy ra, công an đã vào cuộc điều tra và các cơ quan pháp y cũng đã công bố về kết quả khám nghiệm tử thi. Mặc dù nguyên nhân cháu L. tử vong bước đầu được công an xác định là chết ngạt trong xe ô tô nhưng những ngày gần đây trên mạng xã hội Facebook lại lan truyền tin đồn thất thiệt rằng “cháu mất là do sốc phản vệ thuốc gây tê và kháng sinh”.

Ngày 1-9, trên mạng xã hội lại thêm một thông tin chấn động từ một tài khoản Facebook cho rằng cháu L. trong lúc đùa giỡn với bạn bị té đập đầu vào cạnh bàn và do các y tá sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong. Người đăng tải còn khẳng định chuyện này là có thật và kêu gọi mọi người chia sẻ bài viết này.

Ngoài ra, ở một số trang mạng còn đưa ra thông tin tài xế Doãn Quý Phiến, người lái xe đưa đón học sinh Trường Gateway chết bất thường. Thế nhưng theo xác nhận của gia đình tài xế Doãn Quý Phiến thì hiện tài xế Phiến đang sống khỏe mạnh.

Gần đây nhất, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện những tin đồn thất thiệt liên quan đến vụ anh truy sát cả nhà em ruột ở xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) xảy ra vào sáng 1-9. Cụ thể, chiều cùng ngày xảy ra vụ án, một tài khoản Facebook lại đưa tin đồn nguyên nhân dẫn đến thảm án do người anh bị mấy người em cướp trắng đất đai, nhà cửa.

Các thông tin giả về hai vụ án lớn đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: NH

Chưa hết, một trang Facebook khác còn đăng ảnh ông Nguyễn Văn Đông (người anh) kèm dòng chữ: “Lúc bố mẹ ốm đau một mình ông chăm sóc, chạy vạy tiền khắp nơi chữa bệnh. Bố mẹ mất đi để lại 50 m2 đất hương khói thì bị em trai làm giả giấy tờ chiếm mất và cái kết sáng nay”.

Ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm lớn và được người dân chia sẻ chóng mặt, gây hoang mang trong dư luận.

Trước vụ việc này, ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch xã Hồng Hà, khẳng định không có chuyện ông Nguyễn Văn Đông bị gia đình em ruột là Nguyễn Văn Hải (SN 1969) cướp trắng đất đai, nhà cửa hay làm giấy tờ giả.

Đây chỉ là những thông tin không đúng sự thật nhưng đáng ngại là rất nhiều người không nắm rõ sự việc đã chia sẻ và bình luận quanh tin thất thiệt này.

Đưa thông tin sai có thể bị phạt đến 15 triệu đồng

Liên quan đến mức phạt đối với hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội Facebook như thế nào, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013 thì cá nhân có hành vi “Cung cấp nội dung, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị xử phạt 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Ngoài ra, tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174 cũng quy định: Phạt tiền 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Tại Điều 8 Luật An ninh mạng còn đưa ra một số hành vi bị cấm, trong đó có cấm việc “đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Chia sẻ thông tin sai sự thật cũng là vi phạm

Chia sẻ thông tin không đúng sự thật cũng là hành vi vi phạm pháp luật bởi bản thân không nắm rõ sự thật mà nhân rộng, phát tán. Tuy nhiên, về mức độ như thế nào thì cũng tùy thuộc vào số lượng mà người đó thông tin đến người khác. Vì thế, người chia sẻ thông tin được xem là người ra tay, giúp sức cho người vi phạm, vai trò thấp hơn người đăng thông tin ban đầu.

Việc chia sẻ bất cứ thông tin nào nếu không phải từ những nguồn tin đáng tin cậy như báo chính thống hoặc từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chúng ta không nên chia sẻ. Bởi việc chia sẻ thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất xấu đến cộng đồng và môi trường an ninh mạng.

PGS-TS LÊ MINH HÙNGTrưởng bộ môn Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới