Ngày 24-4, tại hội nghị trực tuyến về trật tự an toàn giao thông quý I/2019 tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết việc khám sức khỏe, thực hiện cập nhật thông tin về lái xe hành nghề của các đơn vị đã được quy định.
Tuy nhiên, tất công đoạn trên đang được làm với tính chất thủ công, chưa số hoá dữ liệu khi cập nhật, một số đơn vị kinh doanh thực hiện còn mang tính đối phó, dữ liệu cập nhật và lý lịch hành nghề lái xe không có tính kết nối và chia sẻ với đơn vị quản lý.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến sáng nay. Ảnh: VGP
Để giải quyết vấn đề này, ông Huyện cho hay Tổng cục đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm để quản lý lái xe kinh doanh vận tải. Phần mềm này sẽ ghi nhận lưu trữ thông tin về lịch sử của lái xe kinh doanh vận tải từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hành nghề lái xe.
“Tổng cục đã gửi xin ý kiến chủ trương của Bộ, sau cuộc họp này có kết luận của Phó Thủ tướng, chúng tôi sẽ triển khai ngay…” - ông Huyện thông tin.
Cũng theo ông, sau khi xây dựng xong sẽ cung cấp tài khoản truy cập và phần mềm cho các sở GTVT để quản lý đội ngũ lái xe thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; cung cấp tài khoản truy cập phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện theo dõi, cập nhật thông tin về lý lịch hành nghề của lái xe theo quy định của Bộ GTVT đối với các lái xe thuộc đơn vị mình quản lý.
Bên cạnh đó, xây dựng trục kết nối phần mềm quản lý giấy phép lái xe đồng bộ thông tin với tài xế về hạng giấy phép lái xe, thời gian có hiệu lực của giấy phép, thông tin xử lý vi phạm của lực lượng chức năng…
“Các dữ liệu nêu trên sẽ được tổng hợp và thống kê theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải và tất cả các đơn vị quản lý được truy cập để kiểm tra…” - ông Huyện nói.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giấy phép lái xe, vị Tổng cục Trưởng cho biết thời gian tới đơn vị tiếp tục sửa Luật giao thông đường bộ để phân hạng giấy phép lái xe phù hợp với công ước 1968; sửa đổi Nghị định 46/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sát với thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng thống nhất từ ngày 1-6 bắt đầu chia sẻ thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm giao thông bị tước bằng lái. Theo đó, sẽ ngăn chặn tình trạng tài xế bị cảnh sát giao thông thu giữ bằng lái nhưng không đến nộp phạt mà tới Sở GTVT xin cấp lại.
“Tài xế nào cố tình gian dối, xin cấp lại thì trên phôi bằng có series, nếu anh xin cấp lần hai nhưng đi trên đường dùng phôi cũ (bằng lần 1) mà cảnh sát giao thông, lực lượng thanh tra phát hiện ra thì chúng tôi sẽ hủy, thu lại bằng lần một, đồng thời yêu cầu năm năm sau anh phải thi lại bằng B1.
Như vậy, kể cả anh có tất cả các bằng cao rồi thì vẫn phải quay lại học từ đầu. Điều này phải tuyên truyền lại với các lái xe, đơn vị quản lý vì quy định này đã có” - ông Huyện nhấn manh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đối với các trường hợp vi phạm giao thông bị công an tạm giữ giấy phép lái xe nhưng đi xin cấp lại nếu phát hiện thì hủy kết quả sát hạch, thu hồi giấy phép lái xe đã cấp. Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong cơ quan cấp giấy phép lái xe có liên quan.
“Để làm được việc này sắp tới công an khi tạm giữ bằng lái xe phải đưa vào dữ liệu và chia sẻ với Bộ GTVT để biết việc xin lại cấp lại bằng có đúng không. Nếu bị giữ mà lại xin cấp lại thì tước bằng luôn. Còn nếu chưa thì phải xác minh trước khi cấp lại…”, Phó Thủ tướng nói.