Tượng đài nhiều, thẩm mỹ ít

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), nhận định nguyên nhân của thực tế này vẫn do tầng văn hóa của nhà đầu tư.

Thiếu tượng đài mang tính khái quát

. Phóng viên: Thưa ông, tại sao ở nước ta hệ thống tượng đài danh nhân lại nhiều như vậy?

+ Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường: Tượng danh nhân là cần thiết vì nó là niềm tự hào của dân tộc, đồng thời là bài học giáo dục lòng yêu nước. Nó nói lên bề dày lịch sử, văn hóa của ông cha ta. Tôi nghĩ không nên bàn đến câu chuyện đó mà nên bàn đến hình thức tôn vinh.

Tôn vinh thì không nhất thiết phải làm tượng, có thể đặt tên đường, tên các địa danh, các công trình đường xá, bia bản. Bên cạnh đó, hiện nay tôi cho rằng cần có cả tượng đài trừu tượng, ước lệ khái quát, không nhất thiết chỉ là tượng người mà là tượng đài thuần túy nghệ thuật. Kể cả tượng danh nhân cũng có thể làm trừu tượng được nhưng tôi là người làm sáng tác, tôi biết làm trừu tượng khó lắm.

. Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể về tượng đài trừu tượng của danh nhân?

+ Có lần tôi sang Nga, nhân có cuộc thi về tượng đài Enxin, trong đó có hai tượng được chấm giải nhất và giải nhì mà tôi rất ấn tượng. Giải nhất là hình tượng một đống phế thải. Tượng thứ hai đoạt giải nhì có hình tượng một cái cột trụ cao đang đổ nghiêng, bên cạnh có một con gấu Misa đang tì vai mình vào đỡ cái tượng sắp đổ đó. Ở hai bức tượng trên, bức tượng thứ nhất đánh giá sự nghiệp của ông Enxin đã làm cho nước Nga giống như bãi rác, đó là cách chê. Tượng thứ hai là khen, khi nước Nga sắp đổ, Enxin giống như con gấu tì vào vai giữ cho cái cột trụ đó không đổ. Theo tôi, chê thì cũng chỉ đến thế, khen cũng đến thế là cùng. Đó là tượng trừu tượng. Ở nước ta hiện nay rõ ràng thiếu tượng nghệ thuật mang tính khái quát cao như thế.

. Theo ông, điều gì đã làm nên khuynh hướng chung của tượng đài ở nước ta như hiện tại?

+ Trước tiên là nhận thức của người đặt hàng, tức là lãnh đạo các tỉnh, thành. Họ nhận thức được công trình tượng đài cần thiết, một TP không có công trình văn hóa thì chỉ là tập hợp những khu dân cư để ở chứ không có văn hóa, tinh thần. Giá trị văn hóa đỉnh cao là công trình tượng đài. Công viên chỉ là môi trường sống, không phải môi trường thưởng lãm về nghệ thuật văn hóa. Thế nhưng họ lại nhận thức chưa tốt về cách làm tượng, chọn tượng. Tầng văn hóa của ông chủ đến đâu sẽ chọn mẫu nhà như thế.

Một số tượng đài ở TP.HCM . Ảnh: HTD

Chủ đầu tư ra “đề bài” chứ không phải là hội đồng nghệ thuật

. Thế nhưng trong các công trình tượng đài, chúng ta đều có hội đồng nghệ thuật để đánh giá và tham mưu, thưa ông?

+ Đúng thế nhưng ông chủ đầu tư đặt ra đề bài chứ hội đồng nghệ thuật không đặt ra được. Ngoài quan trí của chủ đầu tư còn liên quan đến câu chuyện bối cảnh cho tượng đài nữa, ở ta cái này cũng yếu.

. Ông có thể chỉ rõ những điểm yếu đó?

+ Tùy tính chất công trình để có mặt bằng không gian cho phù hợp, tượng quảng trường phải đi theo quảng trường, đi theo khuôn viên phải có khuôn viên. Ta có tình trạng trại điêu khắc làm tượng xong mới làm cho nó vườn đặt nó vào. Giai đoạn đầu nghĩ đến tượng thôi, không có không gian mặt bằng nên tượng rất xấu. Mà không gian thì tốn kém lắm, một đồng tượng có khi phải mất đến năm đồng không gian. Hơn nữa, thực tế tôi nghĩ còn có yếu tố dân mất niềm tin ở các công trình do chính quyền đảm nhận. Mất niềm tin ở nơi này thì họ gửi gắm vào nơi khác. Có địa phương dân để cho nhà chùa, chức sắc tôn giáo đảm nhiệm việc này.

. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, còn một điểm yếu nữa liên quan đến đội ngũ làm tượng ở nước ta còn thiếu?

+ Quan điểm của tôi, chuyên nghiệp thì phải có đỉnh cao, khi thành văn hóa quần chúng mặt bằng sẽ nông. Đội ngũ làm tượng đài của Việt Nam không kém gì thế giới nhưng chúng ta thiếu hụt về đào tạo, vấn đề ở các trường mỹ thuật chưa có đào tạo chuyên nghiệp. Thường ta chỉ đào tạo thầy chứ không đào tạo thợ, một nhà điêu khắc không đục đá, không đúc đồng được. Đưa cho một khúc gỗ đục cây không được, ông thầy chỉ vẽ nặn ra mẫu. Ngày xưa ta gọi là thợ đục, trước đây trường nào lao động trực tiếp gọi là trường CĐ, Pháp ngày xưa gọi trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương, trường đó đào tạo ra người trực tiếp làm.

. Ông mong muốn gì về tượng đài ở nước ta?

+ Ta cần có những tượng đài mang tính nghệ thuật cao, đem lại giá trị thẩm mỹ mà có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh tiếng nói của công chúng, của thời đại. Ta không phủ nhận thành tựu đã có nhưng phải tìm ra tiếng nói riêng của thời đại ta. Muốn làm được điều đó không có cách nào khác phải nâng cao trình độ quan trí, quan trí kém thì để nhà chuyên môn chọn cho, nghe theo họ.

. Xin cám ơn ông.

Chưa quan tâm đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật

“Trong suốt những năm qua chúng ta chưa quan tâm đến những tượng đài văn hóa, nghệ thuật, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và làm đẹp cảnh quan môi trường kiến trúc, vì thế gây cảm giác tượng đài vừa thừa vừa thiếu. Về hình thức phong cách nghệ thuật, tượng đài hiện nay mới chỉ được sáng tác với một hình thức nghệ thuật duy nhất được sử dụng, đó là phong cách hiện thực, các hình thức nghệ thuật khác của điêu khắc chưa được chấp nhận, ủng hộ triển khai vì thế gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán về hình thức nghệ thuật”.

Trích từ Một số vấn đề xây dựng tượng đài trong 15 năm qua - Tác giả Vi Kiến Thành

______________________________________

Thẩm mỹ kém là do người quyết định đầu tư

Ông Vi Kiến Thành: Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm:

Thi thì rất đông người tham gia nhưng mẫu thì loanh quanh vài tác giả

Tượng đài nhiều, thẩm mỹ ít ảnh 4
Tôi phải nói là việc làm các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có các tượng đài công cộng phục vụ đời sống nhân dân chưa bao giờ là nhu cầu đặt ra, đặt hàng của ngành mỹ thuật cả. Tất cả đều do việc làm của các địa phương, ngành mỹ thuật là người làm, phục vụ cụ thể để thành hiện thực. Nhu cầu hoàn toàn do các địa phương, bộ ngành. Nói chung bây giờ làm tượng đài ở Việt Nam không phải nhà điêu khắc nào, kiến trúc sư nào cũng có thể làm được. Đó là thực tế. Có những cuộc thi rất đông người tham gia nhưng mẫu chất lượng chỉ loanh quanh khoảng vài công ty, tác giả là cùng, không nhiều tác phẩm tốt. Hiện nay chúng ta đang thiếu các nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng, có năng lực để làm tượng đài. Thực tế này không khỏa lấp được trong thời gian ngắn.

ThS-KTS Trần Quốc Bảo, giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - ĐH Xây dựng:

Văn hóa tượng đài không phải văn hóa Việt Nam

Tượng đài nhiều, thẩm mỹ ít ảnh 5
Ở các nước, người ta dựng các công trình điêu khắc nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao ở những khu vực trung tâm hành chính và thường gắn với những sự kiện đặc biệt. Ví dụ như ở Berlin (Đức) có tượng đài tưởng niệm người Do Thái, ở New York có tượng đài tưởng niệm những nạn nhân trong sự kiện 11-9. Mục đích của các công trình này tưởng niệm là chính nhưng mang tính nghệ thuật cao.

Thực chất văn hóa tượng đài không phải văn hóa Việt Nam, chủ yếu được du nhập từ Liên Xô và các nước XHCN, văn hóa tượng đài là văn hóa châu Âu. Nước ta trước đây đối với các danh nhân, người có công người dân thường lập đền thờ. Đền thờ gần gũi với người dân, ngày lễ tết người dân có thể đến thắp nén nhang tưởng nhớ, còn tượng đài khối lượng lớn không phù hợp với người Việt, không có sự gần gũi.

Tượng đài của nước ta số lượng quá lớn so với các nước, kể cả các nước mà chúng ta du nhập văn hóa tượng đài của họ cũng không có số lượng lớn như thế. Hà Nội có tượng đài các danh nhân thời nay, thời xưa và cả tượng đài danh nhân nước ngoài. Số lượng lớn nhưng về mặt nghệ thuật lại không tương xứng. Tôi không phản đối văn hóa du nhập nhưng tính thẩm mỹ phải cao lên.

Có thể tổng kết, nhìn chung thực tế về tượng đài ở nước ta có thể đánh giá trong ba thực trạng sau: Nhiều, thẩm mỹ thấp và quá tốn kém.

Theo tôi, thực tế này không thể đổ cho tính thẩm mỹ của người dân, cũng không thể đổ cho người làm nghệ thuật, mà liên quan đến những người quyết định đầu tư…

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh:

Hội đồng nghệ thuật đồng ý nhưng chủ đầu tư không thích cũng đành chịu

Tượng đài nhiều, thẩm mỹ ít ảnh 6
Tượng đài phần lớn là đơn đặt hàng, người làm nghệ thuật căn cứ vào tiêu chí rồi mới dựng, phải qua rất nhiều khâu thẩm định, có những công trình làm bé quá thì không ăn nhập với khu vực xung quanh, có cái to quá cũng không hợp với bối cảnh.

Tượng đài ở nước ta mang tính hiện thực vì đó là cái dân ta dễ chấp nhận nhất, các tỉnh cũng chấp nhận, chúng ta chưa thể đưa trừu tượng vào được. Bên cạnh đó, vai trò của chủ đầu tư rất quan trọng. Tôi biết một số nhà điêu khắc, kiến trúc muốn làm khác đi nhưng khi người đặt hàng không chấp nhận thì không thực hiện được. Chủ đầu tư vẫn là người quyết định chính, có cái hội đồng nghệ thuật đồng ý nhưng chủ đầu tư không thích cũng đành chịu... Đúng là ở nước ta tượng có cái đẹp, cái chưa đẹp, có cái nội dung sâu sắc, có cái hời hợt, nguyên nhân có phần là do trình độ các nhà điêu khắc của chúng ta không phải đồng đều. Có người khi nặn đã ra chất hoành tráng rồi, có người không có tư duy đó được, có những tượng đài đơn giản chỉ là tượng con phóng to ra nhưng đó là do đơn đặt hàng của chủ đầu tư với chính tác giả đó. Chúng ta làm tượng vẫn làm thủ công, thợ đục đá thì từ đục cối đá sang đục tượng đài. Ở trường kiến trúc không có khoa nào dạy về làm tượng đài, điêu khắc. Để có được một tượng đài tốt cần nhiều con người ở mỗi lĩnh vực khác nhau, rồi phải có một tổng công trình sư nắm từ đầu đến cuối, chỉ huy điêu khắc thế nào, xây dựng ra sao, ở các nước có cái đó rất rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm