Liên quan đến cụm công trình tượng đài Bác với nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 5-8 lãnh đạo tỉnh Sơn La đã chủ trì cuộc họp với các bên liên quan, đồng thời có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm hành chính từ đâu ra?
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Sơn La gửi Thủ tướng, quy mô của cụm công trình này có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha. Trong đó gồm cả diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Sơn La; nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; quảng trường; đền thờ Bác Hồ; bảo tàng tổng hợp; khu nhà điều hành đón tiếp, khu đô thị (ở và dịch vụ); hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các công trình công cộng khác và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Báo cáo nêu rõ: “Đây mới chỉ là đề án với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Trong đó xây dựng tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỉ đồng”.
16 giờ chiều 5-8, bà Mai Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã chủ trì buổi họp báo thông tin chính thức về đề án.
Công trình tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TH.PHÚC
Trả lời báo chí về chi phí thực hiện dự án, việc xã hội hóa được thực hiện cụ thể như thế nào, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết phương án nguồn vốn được thực hiện từ khi lập dự án, chuẩn bị đầu tư. Nguồn vốn xã hội hóa thực hiện theo kinh nghiệm học hỏi từ các tỉnh và sự ủng hộ của người dân. Ví dụ các công trình như đền thờ, công trình công cộng, cây xanh… nhận được sự tham gia xã hội hóa của các đơn vị doanh nghiệp.
Dù tiếp tục khẳng định số tiền 1.400 tỉ đồng cho công trình này là bao gồm cả chi phí di dời, xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, ông Khánh thừa nhận trong Nghị quyết 127/NQ-HĐND ngày 8-7 vừa được HĐND tỉnh thông qua đề án không có hạng mục này.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La, giải thích việc di dời, xây dựng trung tâm hành chính dựa vào hai công văn trình Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Thủ tướng Chính phủ trả lời về vấn đề quy hoạch dự án. Tỉnh sẽ kết hợp đề án di dời trung tâm hành chính tỉnh Sơn La với đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ. Đây là hai dự án tỉnh đưa ra để xin chủ trương theo thủ tục luật đầu tư công chứ chưa được phê duyệt hay quyết định.
Trả lời câu hỏi: Con số 1.400 tỉ đồng đã bao gồm cả khu trung tâm hành chính tỉnh Sơn La hay chưa, ông Minh cho biết dự kiến quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Sơn La là 5 ha, còn 20 ha là để thực hiện dự án tượng đài và các hạng mục liền kề.
Chưa chọn phác thảo, không thể dự toán
Cùng ngày, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho biết: “Với một công trình tượng đài phải được xây dựng dự toán kinh phí trên cơ sở phác thảo đã được chọn. Vì khi phác thảo sẽ xác định được tượng gồm bao nhiêu nhân vật, tượng sẽ được làm bằng chất liệu gì, quy mô của tượng như thế nào. Không gian kiến trúc của công trình ra sao... Tất cả điều này sẽ được thể hiện qua phác thảo của công trình. Khi có phác thảo được duyệt thì người ta mới tiến hành xây dựng dự toán là bao nhiêu tiền” - ông Thành miêu tả quy trình.
Cũng theo ông Thành, hiện nay hội đồng nghệ thuật vẫn chưa chọn được phác thảo cho tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Sơn La. Như vậy theo quy trình chưa được chọn thì không thể biết kinh phí cho tượng đài là bao nhiêu tiền.
Theo tôi, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc phải cân nhắc, chọn thời điểm phù hợp với điều kiện của địa phương. Quy mô, tượng đài thế nào cũng cần phải tính toán. Không nhất thiết tình cảm với Bác thì phải xây công trình lớn. Ông HÀ HÙNG, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việc làm các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài… đều do nhu cầu của các địa phương. Đây là xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, thích lập kỷ lục hoành tráng, có cả xu thế nhiệm kỳ, kiểu như trong nhiệm kỳ này tôi muốn làm một công trình hoành tráng để đời. Ông VI KIẾN THÀNH, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, __________________________________________ BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng yêu cầu Sơn La phải báo cáo trước ngày 15-8 Tối 5-8, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về đề án xây dựng quần thể tượng đài Bác với tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Liên quan đến đề án trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8”. . Phóng viên: Nhân dân cả nước đang rất quan tâm, lo ngại về số tiền ngân sách bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để xây tượng đài Bác là một lãng phí lớn, bởi các công trình điện, đường, trường học, bệnh viện đang rất thiếu… thưa Bộ trưởng? + Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Khi nhận thông tin từ báo chí phản ánh, Thủ tướng đã yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phải khẩn trương báo cáo về đề án trên. Quan điểm của Chính phủ là hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí trong xây dựng. . Liệu tình trạng xây dựng hàng loạt tượng đài ngàn tỉ trên nhiều địa phương có ngược lại chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí như quan điểm của Chính phủ không, thưa ông? + Việc này quy định rất chặt chẽ. Đối với các địa phương cũng trên tinh thần xây dựng là phải phân kỳ, lộ trình huy động các nguồn vốn sao cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội địa phương, phải trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, cái gì cần thiết xây dựng thì ưu tiên trước. Riêng về công trình tượng đài Bác ở Sơn La, khi có báo cáo giải trình cụ thể Thủ tướng sẽ có ý kiến chỉ đạo. Tôi xin nhắc lại là quan điểm Chính phủ là phải sử dụng ngân sách hợp lý, tiết kiệm. . Xin cám ơn ông. NGUYỄN ĐỨC thực hiện |