Ngày 29-2, một nguồn tin của PLO cho biết cơ quan chức năng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện điều chỉnh thay đổi họ cho một cháu trai theo bản án của tòa.
Theo hồ sơ, năm 2007, bà C và ông A tự nguyện đăng ký kết hôn. Lần lượt, năm 2007 và 2016, hai người con ra đời và đã được đăng ký khai sinh tại địa phương theo họ ông A.
Đến năm 2020, do hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng bà C và ông A ra tòa ly hôn. Tòa án đã có quyết định công nhận thỏa thuận ly hôn và thỏa thuận về nuôi con chung, cấp dưỡng nuôi con chung của hai bên.
Thời điểm đó, hai người xác định có với nhau hai con chung, thỏa thuận bà C nuôi con, ông A tự nguyện cấp dưỡng đến khi các con lớn.
Năm 2021, bà C kết hôn với chồng mới. Thời điểm này, bà C nghi ngờ con trai thứ hai (lúc đó 5 tuổi) không phải là con chung của mình với chồng cũ (tức ông A) nên đã lấy mẫu để xét nghiệm ADN giữa người con này với... người chồng mới.
Phiếu kết quả xét nghiệm ADN ngày 30-6-2021 của Hội đồng khoa học trung tâm công nghệ di truyền Việt Nam kết luận, con trai thứ hai của bà C (lúc đó mang họ của người chồng cũ) và người chồng mới có quan hệ huyết thống cha - con với tần suất hơn 99,9%.
Nói cách khác, cha của đứa bé này chính là người chồng sau của bà C.
Năm 2022, bà C có đơn đề nghị tòa xem xét theo thủ tục tái thẩm, hủy phần quyết định về con chung, cấp dưỡng nuôi con chung đối với người con trai thứ hai tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa bà và chồng cũ. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xem xét, chấp nhận yêu cầu trên của bà C.
Cùng năm, bà C khởi kiện, yêu cầu tòa xem xét, công nhận con trai thứ hai (con trai của bà C với chồng cũ) có quan hệ huyết thống cha-con với người chồng mới.
Thụ lý đơn của bà C, TAND TP Buôn Ma Thuột đã xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp xác định cha cho con”.
Hôm diễn ra phiên tòa, người chồng mới nhất trí với lời khai của bà C và không bổ sung gì thêm. Ông đề nghị xác định ông và bé trai có quan hệ huyết thống cha - con để đảm bảo quyền lợi của cả hai người
Còn bị đơn là chồng cũ bà C vắng mặt, ông cũng không cung cấp ý kiến cho tòa.
Trước đó, ông A cũng không chấp hành theo giấy triệu tập của tòa án nên tòa án không thực hiện được việc giám định ADN giữa ông A và người con trai thứ hai.
Do vậy, căn cứ vào các tài liệu liên quan, căn cứ các quy định liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C. HĐXX tuyên con trai thứ hai của bà C có quan hệ huyết thống cha-con với người chồng mới (tức là con ruột của người chồng mới).
Tòa cũng tuyên người chồng mới có quyền liên hệ với cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch, các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Từ đó, các thủ tục hộ tịch liên quan đến người con trai thứ hai được thực hiện theo bản án như đã nêu trên.