‘Tướng vùng’ ĐBSCL đề xuất nhiều việc mới với Hội đồng Điều phối ĐBSCL

(PLO)- Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, các "tướng vùng" đã đề xuất làm thêm nhiều hồ nước ngọt, xuất khẩu điện, mở rộng việc sử dụng cát biển...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-7, tại tỉnh Cà Mau đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Điều phối ĐBSCL lần thứ 4. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL chủ trì điều hành Hội nghị.

Hội Nghị Hội Đồng Điều Phối ĐBSCL1.png
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu kết luận tại Hội Nghị Hội đồng điều phối ĐBSCL chiều 1-7-2024. Ảnh: TRẦN VŨ

Chủ đề của Hội nghị lần này là "Báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch Vùng, báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù Vùng, tiến độ triển khai một số dự án liên Vùng và Kế hoạch điều phối Hội đồng Vùng năm 2024.

Điện gió chống sạt lở, xuất khẩu điện, làm thêm nhiều hồ nước ngọt

Lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các Bộ ngành Trung ương đã có buổi thảo luận sôi động về những vấn đề bức bách ở tỉnh thành mình cũng như những vấn đề có tính chất liên kết vùng còn vướng mắc, cần tập trung trí, lực để giải quyết sớm.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều đề xuất, trong đó nổi bật là đề xuất đầu tư thêm một số hồ chứa nước ngọt cho tỉnh Cà Mau, để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của tỉnh này. Ông cũng đề xuất Trung ương vấn đề xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Hội Nghị Hội Đồng Điều Phối ĐBSCL3.png
Chủ tịch tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề xuất xem xét vấn đề xuất khẩu điện năng lượng tái tạo tại Hội nghị Hội đồng điều phối ĐBSCL chiều 1-7-2024. Ảnh: TRẦN VŨ

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh nêu một hiện tượng cần được nghiên cứu sâu, đó là hiện tượng giảm sạt lở, có dấu hiệu bồi lắng vùng ven biển nơi có các trụ điện gió. Ông cho rằng đã báo cáo việc này với Bộ nông nghiệp, nhưng cần có sự nghiên cứu khoa học cụ thể hơn để có cơ sở hoạch định phát triển trong tương lai. Cũng đại biểu tỉnh Trà Vinh nêu đề xuất nên chăng mỗi hộ dân tự trữ nước để khắc phục hạn chế thiếu nước sinh hoạt. "Có thể sử dụng các túi chứa nước đặt dưới lòng đất. Bên trên có thể phủ lại đất để trồng trọt, canh tác nông nghiệp" - Vị này nói.

Cũng nói trước Hội đồng Điều phối ĐBSCL, lãnh đạo tỉnh An Giang, Sóc Trăng đề cập vấn đề cần mở rộng phạm vi ứng dụng cát biển vào xây dựng phổ biến. Hiện nay, theo Nghị Quyết 106 của Quốc Hội, cát biển chỉ được ứng dụng làm cho hệ thống đường cao tốc và kết thúc việc này trong năm 2025. Trong khi với nhu cầu xây dựng hiện nay, và trước áp lực giải ngân nhanh vốn đầu tư công, nguồn cát xây dựng là vấn đề then chốt để đáp ứng các nhu cầu này. Đại diện "Tướng vùng" 2 tỉnh này đưa ra đề xuất các Bộ ngành ở Trung ương cần nghiên cứu để mở rộng việc ứng dụng cát biển.

Các tỉnh ven biển cũng nêu ra một vướn mắc về thủ tục giao khu vực biển. Với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế vùng đã đề ra, kinh tế biển là một nguồn lực không thể thiếu vắng. Tuy nhiên, vấn đề giao khu vực biển cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển đang còn nhiều vướn mắc về thủ tục giao khu vực biển mà địa phương không thể tự quyết định được. Điều này đã gây khó cho kinh tế biển các tỉnh như Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Điểm chung trong thảo luận của các tướng vùng ở 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL là vấn đề thực hiện các nhiệm vụ an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, nạn sạt lở bờ sông, bờ biển. Hầu hết các tỉnh đề xuất cho cơ chế đặc thù trong xử lý vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nội dung cơ chế đặc thù này bao gồm quyền được kêu gọi xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội vào chống sạt lở, chống biển đổi khí hậu, nước biển dâng... Tỉnh Cà Mau nêu ra ví dụ tỉnh này đã nhiều năm qua đề xuất được xã hội hóa làm bờ kè chống sạt lở bờ biển, bằng cách giao khu vực biển để doanh nghiệp làm kinh tế, vừa bảo vệ, chống sạt lở. Tuy nhiên, việc làm này dính đến rừng phòng hộ nên chưa được các Bộ ngành Trung ương chấp thuận.

Nhiều kết quả khả quan

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Hội nghị đã đánh giá vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế xã hội.

Hội Nghị Hội Đồng Điều Phối ĐBSCL2.png
Quang cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối ĐBSCL. Ảnh: TRẦN VŨ

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,37%, cao thứ 2/6 vùng trên cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm.

Một số công trình quan trọng, trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2....

Nhiều công trình, dự án quan trọng về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch, hỗ trợ phát triển nông nghiệp... đang trong quá trình thực hiện hoặc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Về kết quả phát triển chung của cả nước, Phó Thủ tướng cho biết, 6 tháng qua, GDP tăng 6,42% cao hơn kịch bản đề ra, đây là con số “ngoài mong đợi”. Ông cho rằng, 6 tháng còn lại của năm 2024, cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ, vùng ĐBSCL phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp sức chung cùng với cả nước, 5 vùng còn lại để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, tại Hội nghị điều phối ĐBSCL, Phó thủ tướng chỉ đạo 7 vấn đề các tỉnh cần tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Bao gồm bám sát thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, quy hoạch vùng, chiến lược phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL của Chính phủ, Quốc hội, Kịch bản của Hội đồng điều phối ĐBSCL, quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm quốc gia...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm