Nuôi tôm ở Cà Mau áp dụng quy trình tuần hoàn, thuận thiên

(PLO)- Sau bao thăng trầm, nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang có hướng đi mới là nuôi tôm tuần hoàn, không thay nước, trên nguyên lý thuận theo tự nhiên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Anh Phận vốn là một thợ sửa máy nổ các loại ở nông thôn. Thời hoàng kim của nghề này từng cho anh mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ đây anh bỏ hẳn nó đi vì say mê một công việc khác - nuôi tôm tuần hoàn, không thay nước, trên nguyên lý thuận theo tự nhiên.
Công việc này, 3 năm qua cho anh nguồn thu nhập bạc tỷ mỗi năm ngay trên mảnh đất 2 ha của gia đình ở ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Nuôi tôm ở Cà Mau áp dụng quy trình tuần hoàn, thuận thiên
Một đoàn công tác đến từ Mỹ đã tham quan mô hình tuần hoàn sinh học bằng rong mền, rong câu trong nuôi tôm của ông Tô Quốc Nam ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Như đã tìm ra chân lý

Khoảng 4 năm trước đây, anh Phận (Trần Văn Phận) cũng lâm tình trạng khủng hoảng cách nuôi tôm như bao bà con ở quê hương mình. Tiền bạc anh dành dụm mấy mươi năm làm nghề thợ sửa máy vơi đi gần hết sau những vụ tôm thất bát. Và anh lo lắng thực sự khi thấy cô bác quê mình, rất nhiều người bỏ ao, bỏ đầm tôm, đi Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM làm công nhân mưu sinh.

Bối cảnh lúc bấy giờ, nghề nuôi tôm ở Cà Mau thực sự là khủng hoảng về mô hình. Từ những năm 1991, 1992, tỉnh Cà Mau đã chuyển dịch lớn từ trồng lúa sang nuôi tôm. Với hơn 30 năm trải nghiệm, bà con nông dân đã thăng trầm qua biết bao mô hình nuôi tôm khác nhau. Từ cách nuôi truyền thống thuận tự nhiên, tức chỉ đào kênh bao ngạn rồi thả tôm giống cho nó ăn rong tảo tự nhiên mà lớn, đến các mô hình hiện đại hơn như nuôi quảng canh cải tiến, nuôi bán công nghiệp, nuôi công nghiệp hầm đất, nuôi công nghiệp trải bạc, nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi tuần hoàn với đủ loại công nghệ xử lý nước tiên tiến nhất... mô hình nào cũng thành lúc đầu mà bại lúc sau. Nông dân chán nản, rất đông phải cho thuê đất rồi đi làm công nhân, số khác canh tác cầm chừng chờ thời chờ vận, không hiếm những ao đầm tôm bỏ hoang.

Nuôi_tôm_ở_Cà_Mau_4.jpg
Anh Phận kể về nghề nuôi tôm ở Cà Mau và mô hình mới của mình. Ảnh: TRẦN VŨ

Anh Nguyễn Văn Tý, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Lương Thế Trân khái quát: "Đến bây giờ vẫn vậy, ở Cà Mau, phần đông khi nói đến nghề nuôi tôm thẻ là lắc đầu, bàn ra. Bà con còn xây dựng những câu chuyện phiếm như ghét đứa nào thì đừng có đánh nó, hãy rủ nó đi nuôi tôm. Ở gần huyện Cái Nước có ông quan về hưu nói một câu để đời. Ông nói "đứa nào rủ tao nuôi tôm tao đá dập đít".

Nghề nuôi tôm ở Cà Mau có thể nói, đến bây giờ vẫn đang khủng hoảng mô hình nuôi. Nên việc anh Phận tìm ra một mô hình hiệu quả như hiện nay là điều quý hiếm. Trong xã đã có 2 nông dân học cách và thực hiện hiệu quả, thu tiền tỷ rồi. Đó là ông Du Tấn Xíl và ông Nguyễn Văn Trắc ở cùng ấp Bào Bào này.

"Lúc đó bế tắc thiệt tình. Tôi mới đi lên Bạc Liêu, Sóc Trăng để xem bà con nông dân trên đó có gì mới trong nghề nuôi tôm. Và tôi đã phát hiện có 2 nông dân ứng dụng rong mền, rong câu để lọc nước. Họ đã trải nghiệm và có hiệu quả, nên tôi về làm theo. Tất nhiên, tôi có thay đổi một chút xíu cho phù hợp với vùng đất nuôi tôm ở Cà Mau" - anh Phận kể.

Một quy trình kỹ thuật tất nhiên là không thể nói trong vài lời, nhưng khái quát về nguyên lý thì có thể, anh Phận chia sẻ: "Thay vì sử dụng hoá chất, thuốc men để diệt khuẩn, làm sạch nước, nay tôi dùng rong, tảo, cá phi và vài kỹ thuật lắng, lọc vật lý. Nó đơn giản vậy thôi".

Ao nuôi chỉ 20% tổng diện tích, còn lại là hệ thống lọc sinh học

Mô hình của anh Phận có tổng diện tích 20.000m2, anh chỉ sử dụng 4.000m2 làm ao nuôi, còn lại là hệ thống ao lắng, lọc sinh học và ao chứa phân và vỏ tôm lột. "Thà diện tích nuôi ít nhưng an toàn, vụ nào cũng thành công, hơn là tham nuôi diện tích lớn, bóp nhỏ diện tích xử lý nước . Tôi đã từng nhận nhiều hậu quả cay đắng khi tham nuôi ở diện tích lớn"- Anh Phận chia sẻ.

Lúc đi tham quan thực tế khu nuôi tôm, anh Phận giới thiệu cụ thể hơn quy trình lọc tuần hoàn không thay nước của mình. Nó bao gồm 1 ao lắng thô lớn, chuyên chứa nước tuần hoàn chảy ra từ các ao đang nuôi tôm. Chất rắn lơ lững và thức ăn thừa sẽ chìm xuống đáy ao một phần lớn. Cá phi và vi sinh sẽ xử lý số cặn bã này. Nước mặt tương đối sạch hơn sẽ chảy tràn qua hệ thống ao mà anh Phận gọi là ao dích dắc. Ao này có nhiệm vụ làm sạch, làm trong nước bằng vật lý và sinh học, tức đường đi của nước theo hình dích dắc rất dài nên lắng trong, chất hữu cơ cặn bã được rong, tảo, vi sinh xử lý luôn một lần nữa. Nước chảy rất chậm tầm nửa cây số thì đến ao sẳn sàng 1, sẳn sàng 2 và sẳn sàng 3. Tới ao sẳn sàng 3 thì nước đã trong sạch như nước khoán. Nó là nguồn để cấp lại cho các ao nuôi. Và cứ như vậy, anh Phận tái sử sụng nước hơn 2 năm qua, chưa xả bỏ lần nào.

Người nuôi tôm và Nhà nước đã gặp nhau

Nghề nuôi tôm ở Cà Mau có thể đã bước sang trang mới, khi mà mô hình của anh Phận và một số bà con khác ở Cà Mau hiện nay lại trùng với một đề tài khoa học của Sở KH&CN tỉnh này.
Anh Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cà Mau cho biết: "Hiện có 9 hộ, trang trại nuôi tôm ở Cà Mau đang thực hiện mô hình tuần hoàn sinh học ít thay nước bằng rong mền, rong câu, cá phi. Đây là một dự án xuất phát từ nhiệm vụ khoa học công nghệ của Sở KH&CN tỉnh Cà Mau. Hiện đang trong giai đoạn tổng kết nên vẫn chưa có những số liệu đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu quả đã rõ, năng suất bình quân thực tế qua 4 vụ nuôi là 58,9 tấn/ha/vụ. Hệ số chuyển đổi thức ăn là 1.2, tức 1,2kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg tôm thẻ thương phẩm".

Nuôi_tôm_ở_Cà_Mau_3.jpg
Ông Tô Quốc Nam cùng con rể xem tôm nuôi 70 ngày tuổi trong hệ thống tuần hoàn sinh học mới của mình. Ảnh: TRẦN VŨ

Mô hình của anh Trần Văn Phận, anh Du Tấn Xíl và ông Nguyễn Văn Trắc không nằm trong dự án trên. Tuy nhiên, hai mô hình này là giống nhau và đang cho hiệu quả rất cao. Theo anh Phận tổng kết qua 6 vụ nuôi, năng suất bình quân mỗi vụ nuôi của anh đạt 40 tấn tôm/4.000m2 ao nuôi, tức đến 100 tấn/ha/vụ.

Nằm trong dự án nhiệm vụ khoa học của Sở KH&CN tỉnh Cà Mau là trang trại nuôi tôm của ông Tô Quốc Nam, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là một trang trại quy mô lớn so mặt bằng nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau hiện nay, với tổng hợp nhiều thiết bị tiên tiến trong ngành nuôi tôm, từ những trống tách phân tôm, máy ép phân tôm, hệ thống sôi hạt lọc caldnes... tuy nhiên, nguyên lý hoạt động tuần hoàn chính vẫn là sử dụng lọc sinh học qua cá phi, rong mềm, rong câu và lọc vật lý qua hệ thống zích-zắc có chiều dài để dòng nước di chuyển đến hơn 1km.

Ông Nam tâm đắc: "Với cách nuôi tôm tuần hoàn sinh học, không thay nước thế này tôi đã tiết kiệm được chi phí hoá chất xử lý nước đến 70% so với cách thay nước 30% mỗi ngày trước đây. Cái hay nhất của mô hình này, theo tôi là chỗ các chỉ số sống của nước được điều chỉnh rất tự nhiên khi đi qua hệ thống lọc dích dắc. Trước đây, việc bù khoán rất khó điều chỉnh và tốn kém, nay hệ thống dích dắc đảm trách. Từ đó mà mới vụ đầu 75 ngày tuổi, tôi đo được tôm lớn nhanh hơn gấp đôi so với các cách mà tôi đã làm hơn 10 năm qua".

Nước sông không phạm nước giếng

"Với mô hình này, tôi không còn bị nổi ám ảnh nước sông ô nhiễm. Bây giờ, mặc cho nước dưới kênh thuỷ lợi thế nào đi nữa, tôi vẫn nuôi tôm bình thường. Vì nước của tôi được tái sử dụng lại nhiều năm vẫn bình thường."- ông Tô Quốc Nam tự tin.

Dù là mới làm vụ đầu, nhưng do nằm trong hệ thống mô hình dự án của Sở khoa học tỉnh Cà Mau nên đã có 4 đoàn khách quốc tế từ Mỹ, Hàn Quốc đã đến tham quan, khảo sát mô hình của ông Nam. "Họ đến vì ủng hộ mô hình không phát thải, an toàn sinh học của chúng ta" - ông Nam nói.

Với mô hình trên, nghề nuôi tôm ở Cà Mau đã có hướng đi mới đầy triển vọng. Anh Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cà Mau cho hay dù mô hình đang giai đoạn tổng kết nhưng khẳng định là một mô hình có tính ưu việt rất cao, sẽ triển khai nhân rộng cho người nuôi tôm ở Cà Mau trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm