Cà Mau: Một vụ án đòi đất không khó về pháp lý nhưng dễ day dứt về tình

(PLO)- Một vụ án đòi đất khá gay cấn ở Cà Mau kéo dài đã 5 năm qua; mới đây, khi đang xét xử, tòa phải tạm ngưng để đến hiện trường "xem xét hiện trạng, ghi nhận thực tế"...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ sáng ngày 13-6-2024, TAND huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án đòi đất do bà Nguyễn Thị Mỹ Phước khởi kiện các cháu của mình. Phiên xử kéo dài 2 ngày vẫn chưa xong. Cái khó, cái phức tạp của vụ án đòi đất này nằm ở chỗ cái lý và cái tình đối lập nhau, khiến người ta khó bề phân định kết quả thấu lý đạt tình.

Chuyện mua bán đất từ lời khai của các bị đơn

Bà Phước sống ở TP.HCM, có quê gốc ở tỉnh Cà Mau, nay bà đã gần 80 tuổi. Từ năm 2019 bà đã khởi kiện các cháu của bà, đòi lại thửa đất khoảng 50.000 m2 ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Vụ án đòi đất Cà Mau.jpg
Toà án huyện Đầm Dơi xử vụ án đòi đất ngày 14-6-2024. Ảnh: TRẦN VŨ

Bà Phước cho rằng, thửa đất bà đang đòi là của ông bà mình khai phá trước 1945. Sau đó ông bà đã tặng cho lại cha mình và rồi cha mình đã tặng cho mình vào năm 1994. Năm 1997 bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Mỹ Phước. Năm 2015, giấy hết hạn bà đã đổi giấy và được Nhà nước cấp lại rồi, có giá trị pháp lý đến ngày nay.

Do điều kiện công tác, năm 1996, sau khi cha bà Phước mất, bà cùng chồng về sống và làm việc ở TP.HCM, thửa đất tạm giao lại cho mẹ ruột là cụ Loan quản lý, sử dụng. Năm 1998, cụ Loan có làm hợp đồng cho một trong các bị đơn thuê, thời hạn 1 năm.

Theo bà Phước, quá trình thuê đất, các bị đơn đã thông đồng, gạt mẹ ruột bà để chiếm luôn thửa đất đến ngày nay.

Trao đổi bên ngoài phòng xử án, bà Phước cho biết bản thân cả đời đi làm từ thiện, giúp đỡ mọi người khốn khó khắp nơi, trong ngoài nước. Nhưng những đứa cháu chiếm đất của bà đã không tốt với bà và gia đình bà. Từ đó bà quyết tâm thực hiện vụ án đòi đất này.

Trong khi phía các bị đơn đồng trình bày một câu chuyện thống nhất, vào năm 1998, cụ Loan (mẹ bà Phước) nói với ông Khôn (là cháu bà) cần bán thửa đất. Bà ra điều kiện nếu ông Khôn giới thiệu bán được giá 30 lượng vàng thì bà cho riêng ông Khôn ba lượng vàng.

Ông Khôn đã rủ ông Thuyền, ông Hải hùn tiền mua. Ông Hải rủ thêm ông Long. Cả nhóm thống nhất ông Khôn và ông Thuyền trả 10 lượng vàng để nhận 1/3 thửa đất, ông Hải và ông Long mỗi người 10 lượng để nhận mỗi người 1/3 thửa đất còn lại.

Tuy nhiên, tất cả bị đơn chỉ có một tờ giấy biên nhận vàng do cụ Loan viết, ký nhận, không có giấy tờ nào thể hiện việc mua bán cũng như chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất là của mình.

Trả lời HĐXX tại toà, các bị đơn có mặt cùng cho biết, việc mình không làm hợp đồng mua bán, không quyết liệt yêu cầu phía người bán (cụ Loan) làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất hơn 20 năm qua là do chỗ thâm tình và lòng tin với nhau. "Tôi, Khôn, Hải là chỗ anh em với nhau nên tôi tin tưởng. Tôi có nhắc Khôn việc làm giấy tờ đất nhiều lần. Khôn bảo do Khôn còn nợ 3 lượng vàng nên chưa làm được. Khi nào có 3 lượng trả cho cụ Loan thì cụ sẽ làm giấy tờ ngay. Cứ kéo dài như vậy đến nay"- bị đơn Long nói trước Toà.

Tòa ngưng xử để đi ghi nhận thực tế

Vụ án đòi đất trên đã diễn ra 5 năm qua, mất biết bao công cán của hai cấp Toà án ở tỉnh Cà Mau. Ở hai lần xét xử sơ thẩm, thẩm phán chủ toạ đều nhiều lần đến xem xét thực tế khu đất.

Ở lần xét xử sơ thẩm ngày 13-6-2024, Toà tuyên tạm ngừng phiên toà để cả HĐXX đến thửa đất tranh chấp để "xem xét hiện trạng, ghi nhận thực tế".

Và suốt 2 ngày xét xử, tất cả các tình tiết dù là nhỏ nhất, HĐXX cũng xem xét kỹ lưỡng, chi ly. Và phiên toà phải tạm dừng để xử tiếp vào ngày mai (thứ Hai, 17-6).

Ngay sau khi đi "xem xét hiện trạng, ghi nhận thực tế" về phòng xử án, chủ toạ nói "đây là một vụ án phức tạp".

Phóng viên cũng đã đến khu đất tranh chấp, chứng kiến một sự ổn định cuộc sống của những bị đơn. Trừ ông Hải có kinh tế khá, nhờ nuôi tôm công nghiệp ở một nơi khác, các hộ còn lại có cuộc sống bình thường, thậm chí là có phần khó khăn. Riêng ông Long có vợ bệnh liệt giường, cuộc sống khó khăn. Và trừ ông Hải thì các hộ bị đơn còn lại (khoảng 4 hộ) hiện sống dựa hoàn toàn vào thửa đất đang bị bà Phước kiện đòi. Và họ đã sống trên mảnh đất này hơn 20 năm qua.

Chủ toạ vụ án đòi đất đến hiện trường1.jpg
Giữa phiên xử, Chủ toạ và HĐXX đến thửa đất tranh chấp để tiếp tục xem xét, ghi nhận thực tế. Ảnh: Huỳnh Thanh Sơn

Vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn có bài phát biểu bảo vệ cho thân chủ khá thuyết phục. Các luận điểm ông đưa ra là bà Phước được cha ruột cho tặng thửa đất, được nhà nước cấp giấy chứng nhận hai lần.

UBND huyện Đầm Dơi cũng đã có công văn xác định với toà án là việc cấp giấy chứng nhận cho bà Phước là đúng quy định pháp luật. Bà Phước đứng tên chủ quyền đất năm 1997, các bị đơn cho rằng được cụ Loan chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mình năm 1998 nhưng không có văn bản thể hiện có việc này và cho dù là có bán thì cũng bị tuyên vô hiệu vì pháp luật không cho phép người này bán tài sản của người kia...

Tuy nhiên, vị luật sư cũng không giấu được nỗi băn khoăn khi nói về phía các bị đơn. Ông nói lời kêu gọi hai bên san sẻ lợi ích để có một kết thúc hài hoà, hợp tình hợp lý. Có lẽ ông cũng cảm nhận rõ cái lý và cái tình nó đang đối kháng nhau trong vụ án đòi đất này.

Bị đơn: "để tòa quyết"; nguyên đơn: "họ phải ra đi"

Khi được chủ toạ mời phát biểu, các bị đơn (không có luật sư) có mặt mỗi người chỉ trình bày không hơn 1 phút 30 giây. Ông Long bảo nghe theo ông Khôn, bán ghe biển lấy tiền mua đất. Ông thực sự đã đưa cho ông Hải 60 triệu đồng đi mua 10 lượng vàng để trả đủ tiền đất phần của mình. Giờ đây ông không còn chỗ nào khác để mà ra đi khỏi đất này. Vợ ông bệnh liệt giường, cái ăn lo từng bữa. Ông chỉ nhấn mạnh: "Mọi chuyện toà đã hiểu rõ, chỉ mong xét xử công bằng".

Ông Hải, bà Hằng cũng nói tương tự, mọi chuyện do toà quyết định.

Còn nguyên đơn Nguyễn Thị Mỹ Phước vẫn giữ vững quan điểm yêu cầu toà án xét xử đúng quy định pháp luật, buộc các bị đơn và những người đang có nhà, sống và canh tác trên thửa đất phải di dời toàn bộ tài sản trên đất ra đi.

Bà lập luận về sự kiên quyết của mình trước những đứa cháu gọi bà bằng cô, bằng dì: "Từ năm 2006 tôi đã phát hiện họ có mưu đồ chiếm đất của tôi. Tôi đã rất nhiều lần yêu cầu họ trả, thông qua dòng họ, thông qua chính quyền địa phương và cuối cùng là Toà án. Quá trình đó, những đứa này mắng chửi tôi, hăm doạ tôi đủ điều. Không tôn trọng tôi, còn xúc phạm tôi, nên tôi quyết lấy lại đất, họ phải ra đi".

Chiều 14-6, HĐXX quyết định tạm ngưng phiên toà và thông báo sẽ xử tiếp vào sáng thứ Hai, 17-6, với phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS, nghị án và tuyên án.

Khi ra giải lao giữa phiên xử, bị đơn Nguyễn Văn Long tâm sự với phóng viên: "Cuộc sống này không có lòng tin với nhau thì rất tệ. Tôi vẫn luôn tin tưởng anh em, nhất là trong dòng họ với nhau. Từ đó mà Khôn nói gì tôi nghe đó. Tôi đưa 60 triệu đồng cho Hải đi mua vàng trả tiền đất không làm giấy tờ gì. Hải tự mua dư tiền về đưa lại cho tôi. Hải không làm giấy tờ gì với tôi nhưng Hải vẫn không chối việc đó. Giờ tôi chỉ mong Toà xét xử cho thấu tình đạt lý".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm