Tuyên án phúc thẩm vụ gây thất thoát gần 22 tỉ đồng tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

(PLO)- Thiệt hại đã được khắc phục hoàn toàn từ giai đoạn kết thúc điều tra, nên việc tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoa nộp hơn 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả không phải là tình tiết mới để chấp nhận kháng cáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm đối với 3 bị cáo có kháng cáo trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV(CNS).

HĐXX tuyên y án sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hoành Hoa (cựu chủ tịch hội đồng thành viên CNS) bốn năm tù; giảm án đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Anh (cựu chánh văn phòng, phó tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên CNS) từ 3 năm 6 tháng tù còn 3 năm tù, bị cáo Lê Viết Ba (Phó phòng tài chính - kế toán CNS) từ 3 năm tù thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS). Ảnh: HỮU ĐĂNG

Theo HĐXX, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hoa nộp hơn 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả. HĐXX xét thấy từ giai đoạn kết thúc điều tra, thiệt hại đã được khắc phục hoàn toàn nên việc bị cáo nộp thêm tiền khắc phục hậu quả không có ý nghĩa, không phải là tình tiết mới để chấp nhận kháng cáo.

Bị cáo Hoàng Anh cung cấp bằng khen tham gia truy bắt tội phạm. Bị cáo Ba cung cấp bằng khen, giấy khen gia đình có công với cách mạng, có người nhà là liệt sĩ. HĐXX xét thấy, bị cáo Ba giúp sức hạn chế trong vụ án, số tiền gây thất thoát thấp hơn các bị cáo còn lại, nên xem xét cho bị cáo Ba hưởng án treo và giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo Hoàng Anh.

Liên quan vụ án, bị cáo Chu Tiến Dũng (cựu tổng giám đốc CNS, án sơ thẩm tuyên 5 năm tù) và bị cáo Hoàng Minh Trí (cựu thành viên hội đồng quản trị TIE, phó giám đốc Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS, án sơ thẩm 3 năm tù) có kháng cáo nhưng đã rút kháng cáo.

Theo nội dung vụ án, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, CNS chiếm 70% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần TIE.

Các cá nhân là ban Tổng giám đốc CNS, lãnh đạo Phòng tài chính - Kế toán CNS và Văn phòng CNS biết rõ CNS phải ban hành quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng mới theo quy định tại Nghị định 91 thay thế quy chế cũ để quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng.

Từ năm 2015 - 2018, bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS đã gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng. Ngoài ra, giai đoạn năm 2015-2016, cựu tổng giám đốc CNS Chu Tiến Dũng và đồng phạm còn có hành vi thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE trái quy định, gây thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng.

Xét xử sơ thẩm (tháng 6-2023), TAND TP.HCM tuyên phạt Chu Tiến Dũng năm năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 9 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến bốn năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm