Tuyên án vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC và đồng phạm

(PLO)- HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định giảm án cho 5 trong 6 bị cáo kháng cáo trong vụ AIC.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-5, sau ba ngày xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ đưa - nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Bản án đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có hiệu lực

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC) và bảy bị cáo khác đã bỏ trốn từ giai đoạn điều tra và đang bị truy nã. Sau khi bị xét xử sơ thẩm, các luật sư bào chữa và thân nhân của họ đã có đơn kháng cáo thay. Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh có đơn kháng cáo gửi về từ nước ngoài.

Các bị cáo nghe tuyên án phúc thẩm. Ảnh: BT

Các bị cáo nghe tuyên án phúc thẩm. Ảnh: BT

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng theo quy định, trường hợp này kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa và thân nhân không có quyền kháng cáo thay. Việc các bị cáo bỏ trốn thể hiện họ đã từ bỏ các quyền của bị cáo, trong đó có quyền kháng cáo.

Đối với bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, trong hồ sơ thể hiện có đơn đề “đơn kháng cáo”, người gửi Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ Mỹ.

Tuy nhiên, những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...), không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo. Hai bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật.

Theo HĐXX phúc thẩm, có cơ sở xác định các bị cáo bỏ trốn không có kháng cáo, bản án cũng không bị kháng nghị. Do đó, HĐXX không chấp nhận việc người bào chữa kháng cáo thay. Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo này đã có hiệu lực. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù về hai tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Năm người được giảm nhẹ

Tại phiên tòa phúc thẩm, sáu người kháng cáo đều thừa nhận bản án mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên với từng bị cáo là đúng người, đúng tội.

Bác kháng cáo về số tiền bồi thường của Công ty AIC

Về phần dân sự, HĐXX phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bị đơn dân sự Công ty AIC. Công ty này đề nghị xác định lại phần thiệt hại của vụ án. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này.

Như vậy, Công ty AIC phải bồi thường 15 tỉ đồng cho BV đa khoa Đồng Nai như án sơ thẩm tuyên. Ngoài ra còn hai bị cáo khác mỗi người cũng phải bồi thường 15 tỉ đồng, bà Nhàn phải bồi thường 103 tỉ đồng.

Tổng số tiền khắc phục thiệt hại của các bị cáo là hơn 3 tỉ đồng. HĐXX sẽ trừ phần này và giảm bớt nghĩa vụ bồi thường của các cá nhân và Công ty AIC.

Năm bị cáo gồm Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai; Vũ Quang Ngọc, giám đốc văn phòng Công ty Medicosult; Lê Chí Tuân, trưởng phòng Công ty AIC; Huỳnh Tuấn Anh, giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân; Lê Thị Hương, phó ban Kế toán Công ty AIC, trình bày với HĐXX về nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội, cũng như vị trí, vai trò trong vụ án.

Đồng thời, các bị cáo này cũng xuất trình các tài liệu bổ sung và xin giảm nhẹ hình phạt.

Cấp phúc thẩm nhận định bản thân các bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng; có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; có công văn đề nghị xem xét giảm nhẹ của các cơ quan có thẩm quyền, nơi các bị cáo từng công tác. Ngoài ra, các bị cáo tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả vụ án sau phiên tòa sơ thẩm.

Từ đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Cụ thể, bị cáo Phan Huy Anh Vũ nhận mức án bảy năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (được giảm nhẹ ba năm) và chín năm tù tội nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt là 16 năm tù.

Cùng về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Vũ Quang Ngọc nhận mức án ba năm tù (giảm sáu tháng tù), Lê Chí Tuân 30 tháng tù (án sơ thẩm là 36 tháng). Các bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, Lê Thị Hường giữ mức án như tòa sơ thẩm đã tuyên nhưng cho hưởng án treo.

Không giảm án cho bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga

Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, HĐXX cho rằng bị cáo có vai trò giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bị cáo là phó tổng giám đốc Công ty AIC, đã cùng bà Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật. Sau đó, bị cáo chỉ đạo nhân viên nâng khống giá thiết bị, lập hồ sơ dự thầu cho Công ty AIC và công ty quân xanh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo chưa thể hiện thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, không xuất trình thêm tài liệu mới để xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 12 năm tù là phù hợp.

Do đó, HĐXX bác kháng cáo và y án 12 năm tù đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm