Vụ AIC: Nhiều bị cáo được đề nghị giảm án

(PLO)- Các bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả… nên được VKS đề nghị giảm nhẹ.

Ngày 23-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC (do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch) và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.

VKS đề nghị bác kháng cáo của bà Nga

Trong phần tranh luận, đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của sáu bị cáo. Đại diện VKS nhận định tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã quy kết và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chín năm tù về tội nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt chung là 19 năm tù.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: BT
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: BT

Đáng chú ý, bị cáo Vũ không bị tòa sơ thẩm tuyên buộc về trách nhiệm dân sự nhưng vẫn tự nguyện tác động đến gia đình nộp thêm 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Do đó, VKS nhận thấy có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo 30-36 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu.

Các bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty AIC) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù, Lê Chí Tuân ba năm tù, Huỳnh Tuấn Anh 30 tháng tù, Lê Thị Hương 36 tháng tù, Vũ Quang Ngọc ba năm sáu tháng tù, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nga thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng mình không phải là chủ mưu, không bàn bạc với bà Nhàn, chỉ là người làm công ăn lương.

VKS xét thấy trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ, lời khai, có đủ căn cứ kết luận án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bị cáo Nga không cung cấp thêm tình tiết mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Các bị cáo còn lại được VKS nhận định thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả, cung cấp thông tin có giá trị trong quá trình giải quyết vụ án… nên có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo.

Trong đó, bị cáo Vũ Quang Ngọc (giám đốc văn phòng Công ty Medicosult) và Lê Chí Tuân (trưởng phòng Công ty AIC) được đại diện VKS đề nghị giảm một phần hình phạt.

Bị cáo Lê Thị Hương (phó ban Kế toán Công ty AIC) và Huỳnh Tuấn Anh (giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân) được VKS đề nghị cho hưởng án treo.

Chủ động khắc phục hậu quả dù tòa không buộc

Tranh luận với VKS, luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo nêu hoàn cảnh phạm tội và đưa ra nhiều tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ.

Bào chữa cho bị cáo Vũ, LS cho rằng cựu giám đốc Sở Y tế được nhiều người, nhiều cơ quan trong tỉnh đề nghị giảm nhẹ. Tuy nhiên, tình tiết này chưa được TAND TP Hà Nội chấp nhận khi xét xử sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét.

LS cũng nêu bất cập về quy định đấu thầu tại thời điểm bị cáo phạm tôi. Pháp luật quy định việc lựa chọn nhà thầu phải căn cứ vào ba báo giá của ba đơn vị khác nhau nhưng nhiều trường hợp, các hàng hóa phân phối độc quyền thì không có được ba báo giá khác nhau.

Trong phần xét hỏi, ông Vũ cũng trình bày Công ty AIC độc quyền phân phối và chất lượng thiết bị cũng tốt, bị cáo không còn lựa chọn nào khác nên phải sử dụng báo giá như vậy dưới sức ép tiến độ của dự án.

LS bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hương nêu hoàn cảnh bị cáo nuôi hai con, có mẹ già bị biến chứng bệnh tiểu đường nhưng vẫn vận động người thân nộp khắc phục hậu quả tổng cộng 200 triệu đồng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

LS còn nêu nhiều tình tiết cho rằng bị cáo Hương đủ điều kiện được hưởng án treo như mức án không quá ba năm, bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ đã được ghi nhận cũng như tình tiết giảm nhẹ mới phát sinh, mong HĐXX xem xét.

Các bị cáo khác cũng được LS đề cập hoàn cảnh như nuôi con nhỏ, cha mẹ già, kinh tế khó khăn nhưng đã tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả (án sơ thẩm không tuyên buộc phải bồi thường)… để xin tòa giảm nhẹ.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều thành khẩn nhận lỗi và mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh phạm tội, nhiều bị cáo là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Các bị cáo đã nhận thức sai lầm, mong HĐXX mở lượng khoan hồng để sớm được trở về với gia đình.

Công ty AIC nói về khả năng bồi thường

Về ý kiến của Công ty AIC tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án, theo VKS, công ty này không còn tài sản đảm bảo cho việc thi hành án.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn, án sơ thẩm tuyên 30 năm tù), Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga có vai trò cao nhất, trực tiếp chỉ đạo điều hành nên cấp sơ thẩm tuyên buộc Công ty AIC và ba bị cáo trên liên đới bồi thường là hợp lý. Do đó, VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Công ty AIC.

Tuy nhiên, đại diện Công ty AIC cho rằng việc VKS nhận định công ty không có khả năng bồi thường thiệt hại là không đúng vì công ty vẫn đang hoạt động, vẫn còn những dự án khác.

Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty AIC, bị cáo Hà và bị cáo Nga phải bồi thường mỗi người 15 tỉ đồng, bà Nhàn phải bồi thường hơn 103 tỉ đồng.

Công ty AIC cho rằng tòa án xác định tổng thiệt hại 152 tỉ đồng là quá lớn, đây chỉ là chênh lệch giá đầu vào, đầu ra trong khi doanh nghiệp còn nhiều chi phí như chi phí vốn, chi phí quản lý, chi phí bán hàng và thuế thu nhập doanh nghiệp… Công ty đề nghị HĐXX xem xét lại. Công ty cũng khẳng định sẽ khắc phục toàn bộ thiệt hại, nhận bồi thường thay cho các bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm