Tuyên bố 1 người đang bị truy nã đã chết có được không?

(PLO)- Hiện có hai luồng quan điểm về việc tuyên bố một người đang bị truy nã là đã chết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự quy định tòa án có quyền ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong bốn trường hợp, trong đó có trường hợp biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

Tuy nhiên, BLDS không quy định cụ thể lý do biệt tích là gì nên xuất hiện quan điểm trái chiều về việc có được tuyên bố là đã chết với người đang bị truy nã hay không. Đồng thời, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Bên nói việc truy nã không ảnh hưởng

Theo ThS Văn Thị Hồng Nhung, BLDS không quy định “biệt tích” vì lý do gì nên quyết định truy nã không ảnh hưởng đến việc xác định điều kiện tuyên bố một cá nhân đang trốn truy nã là đã chết.

BLTTHS 2015 quy định cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra với căn cứ “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”. Tuy vậy, khi người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì tòa án vẫn có thể ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết theo khoản 1 Điều 73 BLDS 2015. Lúc này, cơ quan điều tra có thể ra quyết định phục hồi điều tra vụ án theo Điều 235 BLTTHS.

Trong khi đó, việc tuyên bố một người đã chết theo pháp luật dân sự là để giải quyết các vấn đề tài sản của họ với những người thừa kế; quyền và nghĩa vụ tài sản của người này với tổ chức, cá nhân khác; quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ hôn nhân với người còn lại (nếu có)… Đây đều là những yêu cầu chính đáng nên việc tuyên bố người đang bị truy nã là đã chết khi đủ các điều kiện luật định sẽ giúp giải quyết được các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và đảm bảo quyền, lợi ích của những người liên quan.

BLDS không quy định cụ thể lý do biệt tích là gì nên xuất hiện quan điểm trái chiều về việc có được tuyên bố là đã chết với người đang bị truy nã hay không.

Bên cạnh đó, trường hợp “bị tuyên bố là đã chết” chứ không phải là trường hợp “chết tự nhiên” nên vẫn có cơ hội để khôi phục các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ trong trường hợp họ còn sống; đảm bảo công tác điều tra và thi hành án dân sự.

Ngoài ra, theo ThS - luật sư Dương Hoàng Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), vấn đề tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết là thẩm quyền của tòa án theo trình tự của BLTTDS.

Trong suốt giai đoạn truy nã, nếu chưa có bản án có hiệu lực của tòa xác định đối tượng truy nã phạm tội thì cũng không thể xác định đối tượng bị truy nã là tội phạm để áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự liên quan (nếu có).

Do đó, nếu xét về quy định pháp luật và mối quan hệ độc lập trong quá trình thực hiện, ThS - luật sư Thảo cho rằng có cơ sở để tòa án giải quyết tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết theo quy định của BLTTDS và việc truy nã cần được xem xét một cách độc lập.

Nên có hướng dẫn

Việc tuyên bố một người là đã chết được quy định bởi pháp luật dân sự, còn người đang bị truy nã thì được áp dụng bởi pháp luật hình sự. Một chủ thể không thể áp dụng đồng thời hai bộ luật để giải quyết vì sẽ dẫn đến xung đột luật áp dụng và xung đột quy trình tố tụng của các cơ quan.

Trong trường hợp một người được tuyên bố là đã chết, có khả năng họ phạm tội ở thời điểm sau khi bị tuyên bố chết. Vì họ bị “tuyên bố chết” theo yêu cầu dựa trên quy trình, quy định pháp luật chứ không phải “chết” về mặt sinh học theo quy trình y tế. Do đó, theo tôi, một người bị tuyên bố là đã chết có thể bị truy nã nhưng không thể tuyên một người bị truy nã mất tích hoặc đã chết.

Và trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành hướng dẫn cụ thể để tránh sự tranh cãi, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Bên cho rằng không đủ căn cứ

Còn theo ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là trường hợp “biệt tích” nhưng có thể hiểu “biệt tích” trong chế định tuyên bố một người là đã chết theo pháp luật dân sự là trường hợp không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết do các yếu tố khách quan như tai nạn, chiến tranh… chứ không nhằm mục đích trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, người bị truy nã không xác định được tung tích là do họ cố tình lẩn trốn, hoàn toàn do ý chí chủ quan của họ.

Vì vậy, theo Điều 27 BLHS thì thời gian trốn lệnh truy nã không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là không thể xem thời gian đã truy nã như căn cứ “đã biệt tích năm năm liền trở lên” để tuyên bố người đó là đã chết theo pháp luật dân sự.

Tương tự, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng người trốn truy nã thì không được tuyên là đã chết, bởi chúng ta chỉ tuyên một người là đã chết khi cái chết của họ xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như vào rừng mất tích, chiến tranh... Còn người trốn truy nã là người chủ động bỏ đi với mục đích là trốn tránh nghĩa vụ nhà nước và không tuân thủ pháp luật. Cho dù rơi vào trường hợp 100 năm sau người trốn truy nã không quay về và hầu như không ai sống quá 100 năm nhưng vẫn không thể tuyên người trốn truy nã là đã chết.

Tòa cấp cao: Đang bị truy nã không thể xem là biệt tích

Theo nội dung vụ án, năm 2012, cha mẹ của Trần Quang Vũ có đơn yêu cầu TAND quận 3 (TP.HCM) tuyên bố Vũ cùng vợ, con đã chết. Lý do là ba người này đã bỏ đi, không có tung tích từ năm 1996.

Theo xác minh từ Công an phường 8, quận 3 thì gia đình Vũ không còn cư trú tại địa phương và đã xóa hộ khẩu gốc cả hộ từ năm 1998, lý do “vắng không lý do”.

TAND quận 3 đã căn cứ điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 81, Điều 82 BLDS 2005 ra quyết định tuyên bố Vũ cùng vợ, con “là đã chết” tính từ ngày 27-12-2003.

Tuy nhiên, theo hồ sơ từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Vũ đang bị truy nã trong vụ án buôn lậu và đưa hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Tân Trường Sanh và một số công ty khác ở TP.HCM. VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm với tình tiết mới là “Vũ là đối tượng đang bị truy nã” và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy quyết định tuyên bố Vũ và vợ, con là đã chết của TAND quận 3.

Kháng nghị này sau đó được chấp nhận. Theo Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, quyết định truy nã đối với Vũ vẫn còn hiệu lực nên không thể xem là biệt tích. TAND quận 3 cho rằng Vũ biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống để tuyên bố Vũ và vợ, con đã chết là không đúng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...