Hội thảo do Trung tâm Habibie của Indonesia và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ phối hợp tổ chức với hơn 150 đại biểu tham dự.
Tại hội thảo, các học giả, chuyên gia đến từ Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Úc… đã trình bày 13 tham luận liên quan đến biển Đông. Hội nghị đã ra Tuyên bố Jakarta với các nội dung chủ yếu như sau:
- Biển Đông là vấn đề đa phương. Nhất trí triển khai thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký tháng 10-2002.
- Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với “đường chín điểm” trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích biển Đông là không phù hợp.
- Các bên liên quan cần duy trì cam kết giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế,… tăng cường xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
- Các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Nga, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc có vai trò hữu ích để duy trì tình trạng hiện nay và cần tiếp tục ủng hộ DOC.
- ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục triển khai các bước tích cực trong vấn đề DOC, đẩy nhanh nỗ lực hướng tới COC. Ban Thư ký ASEAN có thể có quyền hạn lớn hơn trong thực thi quá trình hòa bình để giải quyết xung đột. ASEAN cần trung thành với nguyên tắc thống nhất, đoàn kết và nhất trí trong việc phối hợp và phát triển vị thế chung của ASEAN trong đối thoại với các đối tác.
- Cơ chế hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM+) cần được xem là diễn đàn quan trọng thúc đẩy cam kết mang tính xây dựng giữa ASEAN và các đối tác trong các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh tác động đến khu vực.
HD (Theo trang web Chính phủ)