Song như nhiều người hoài nghi thì vẫn cho rằng, việc đánh cược bất hợp pháp ở Việt Nam chưa hẳn qua các nhà cái trên mạng. Song mọi chuyện hãy hạ hồi phân giải. Thử phân tích thực tế tuyển Việt Nam dở hay Malaysia hay?
Tuyển Malaysia có phong độ tốt và chơi ngang ngửa tuyển Thái Lan.
Trước tiên câu hỏi đặt ra là tuyển Malaysia là ai? Thực tế cho thấy cho dù trước giải tuyển Malaysia có khó khăn về khâu ghi bàn, nhưng đó là một đội bóng rất mạnh, kỹ chiến thuật nhuần nhuyễn phối hợp với nhau rất ăn ý. Dàn cựu binh Malaysia, tức những trụ cột từng vô địch AFF Cup 2010 vẫn còn phong độ rất cao, chính họ là những trụ cột để đưa tuyển Malaysia vào chung kết ở AFF Cup 2014 này. Nhìn lại trận giao hữu với tuyển Việt Nam ngày 16-11, cho thấy dù họ thua 1-3, nhưng cách vận hành chiến thuật của họ, sự ăn ý rất tốt… Tuyển Việt Nam chỉ lội ngược dòng thành công ở đầu hiệp hai khi trung vệ Muslim Ahmad của Malaysia bị đuổi… Từ đó cho đến cuộc hành trình vào bán kết của họ rất ấn tượng khi chỉ chịu thua Thái Lan vào phút cuối sau hai lần vượt lên dẫn khiến thầy trò HLV Kiatisak phải trối chết. Sau đó là trận thắng chủ nhà Singapore…
Còn tuyển Việt Nam có phong độ không ổn tại AFF Suzuki Cup 2014 này.
Ngược lại với tuyển Việt Nam thì từ khi tập trung cho giải cúp này, thì vấn đề hàng phòng ngự luôn là điểm yếu chết người của tuyển Việt Nam từ các trận giao hữu với SV Hàn Quốc, U-23 Bahrain, đến Palestine và sau đó là trận giao hữu với Malaysia (dù thắng họ 3-1).
…Và điểm yếu ấy có thể nói rằng, nó như một sự cố hữu vì Phước Tứ cũng còn dư âm chấn thương và không còn sức rướn tốt. Bên cạnh đó là một Tiến Thành còn non kinh nghiệm trận mạc cùng với việc hai trung vệ này phối hợp nhau chưa bao giờ ăn ý, không phải như hồi Phước Tứ- Như Thành ở AFF Cup 2008.
Trong suốt một quá trình chuẩn bị cho AFF Cup và kể cả năm trận tại AFF Cup này chỉ có mỗi một trận bán kết lượt đi, tuyển Việt Nam chơi ấn tượng. Trong một buổi tốt, sự xuất thần của tuyển Việt Nam cộng hưởng với cách thay người của HLV Miura đã thêu dệt nên một trận thắng cuốn hút cùng lúc đó là Malaysia đánh mất mình. Bên cạnh đó còn phải kể đến trung vệ chỉ huy hàng ngự Malaysia giỏi và Adnan vắng mặt. Trên hàng tiền đạo thì thiếu tay săn bàn giỏi chọc ngoáy Amri Yahyah.
Nhìn Malaysia qua trận giao hữu thua Việt Nam và hành trình vòng bảng AFF Cup thì Malaysia không yếu, ngược lại họ rất mạnh, dàn cựu binh vô địch AFF Cup 2010 còn rất trẻ và khỏe, chưa có cầu thủ nào vượt qua “tuổi băm”, ngoại trừ một cựu binh Indra Putra, 33 tuổi (không có trong đội hình vô địch AFF Cup 2010). Malaysia bị dư luận trong nước chê trách là ở khâu ghi bàn, chứ về mặt thể lực và thể hiện đấu pháp họ vẫn rất ổn, rất xuất sắc. Một khi giải quyết được vấn đề thì Malaysia lại rất mạnh.
Vấn đề thứ hai mà dư luận đặt ra cũng như có phần bức xúc, thậm chí là nhiều cựu tuyển thủ chỉ ra mặt yếu của HLV Miura trong trận lượt về là vì sao ông…quá lành và đứng bất động như pho tượng trong khu kỹ thuật?
Chúng ta đang nắm lợi thế ở lượt đi, nhưng vào trận lượt về, HLV Miura bỗng dưng ra lệnh cho đội hình dâng quá cao, hầu hết hàng tứ vệ giăng ngang lên sát đường trung tuyến. Những cú chọc khe, những pha chuyền chéo của đối phương thì các cầu thủ Malaysia có tốc độ rất cao băng nhanh hơn các hậu vệ Việt Nam. Trong những cơn lúng túng từ Nguyên Mạnh, đến Ngọc Hải, Phước Tứ, Văn Biển rồi Tiến Thành quá lập bập dẫn đến xử lý vụng về rồi trả giá. Ngược lại những Talaha, Safiq, Amri, Indra Putra của Malaysia hơn hẳn các hậu vệ Việt Nam về tốc độ, sức mạnh, độ lì, chịu đựng va chạm thì không có lý do gì họ thua trong những pha đấu tay đôi với các hậu vệ thiếu bọc lót cho nhau của tuyển Việt Nam.
Các nhà chuyên môn vẫn không hiểu vì sao sau bàn thua thứ nhất từ chấm phạt đền ở phút thứ ba, hàng phòng ngự Việt Nam lộ ra quá nhiều điểm yếu nhưng HLV Miura không chỉnh sửa mà cứ nhìn xa xăm và…bất động. Thế là hàng hậu vệ vẫn tiếp tục giăng ngang và đẩy lên rất cao để rồi tiếp tục trả giá, chỉ 43 phút đầu trận đã bị thủng lưới bốn lần.
Trong cái thua xuất phát từ những lỗi lầm quá sơ đẳng không thể chấp nhận nơi những tuyển thủ quốc gia Việt Nam thì còn có phần rất lớn từ cách điều chỉnh của HLV trưởng mà ở đây không thấy. Vì sao HLV Miura không thể đưa ra, hoặc không có những phương án thay đổi chiến thuật trong phòng ngự được khi ngay sau tiếng còi khai cuộc là bắt đầu cho một chuỗi sai lầm của phòng ngự.
Adnan và Amri Thực tế cho thấy ở bán kết lượt về khi Malaysia có sự phục vụ của hai cầu thủ này thì “gió đã xoay chiều”. Adnan Shukur là thủ lĩnh điều phối hàng phòng ngự rất tốt. Xin sự hỗ trợ của các tiền vệ cũng rất hay. Hầu như họ phong tỏa được hầu hết những pha áp sát cầu môn Marlias. Các chân sút Việt Nam chỉ sút xa nhưng quá thiếu chính xác. Bên cạnh đó là sự hiện diện của Amri nơi tuyến trên làm cho hàng phòng ngự Việt Nam vất vã. Những cú giãn biên của tiền đạo này tạo ra khoản trống rất tốt cho đồng đội. |
TẤN PHƯỚC