VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa kháng nghị giám đốc thẩm vụ Trần Văn Lánh bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa.
Theo hồ sơ, Lánh và chị Phạm Thị Nhân có quan hệ tình cảm với nhau nhưng đã chia tay. Khoảng 8 giờ tối 1-7-2016, Lánh đến quán cà phê Vườn Dừa ở thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành gặp chị Nhân để đòi tiền.
Lúc này giữa Lánh và chị Nhân cãi nhau, bị cáo có dùng tay đánh chị Nhân nhưng chưa gây thương tích. Tiếp đó, chị Nhân gọi điện thoại cho cháu là Nguyễn Hữu Toàn đến để đánh Lánh, Toàn đồng ý. Toàn không đi một mình mà gọi điện thoại nhờ Nguyễn Văn Thông chở nhưng không nói cho Thông biết là đi đánh nhau.
Sau đó Toàn điều khiển xe máy chở Thông đến nhà chị Nhân, thấy bị cáo đang đứng trong sân nên Toàn chạy vào dùng tay đánh nhiều cái vào mặt Lánh. Lánh bỏ chạy qua sân nhà một người khác ở gần đó nhưng Toàn tiếp tục đuổi theo và dùng tay đánh nhiều cái vào mặt Lánh gây thương tích.
Toàn còn nhặt khúc cây tre chọc vào bụng Lánh xong ném cây lại rồi bỏ đi. Thấy vậy, Lánh nhặt khúc cây tre đuổi theo đánh khiến Toàn bỏ chạy. Khi chạy ra đến gần nơi Thông đang ngồi trên xe máy thì Lánh đuổi kịp rồi đánh nhiều cái vào đầu làm Thông té xuống mương nước, sau đó bỏ về nhà.
Thông được đưa đến BV đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu. Bản giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận Thông bị thương tích tỉ lệ 38%, Lánh bị thương tích 15%.
Tháng 4-2017 xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa tuyên phạt bị cáo Lánh bốn năm tù; Nhân và Toàn mỗi bị cáo một năm tù, cùng về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, các bị cáo Lánh, Nhân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Bốn tháng sau, xử phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, tuyên sửa án sơ thẩm; xử phạt Lánh ba năm tù cho hưởng án treo; Nhân một năm tù cho hưởng án treo.
Ngày 23-3 mới đây, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị giám đốc thẩm về phần hình phạt riêng đối với bị cáo Lánh. Theo đó, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, Lánh bị xét xử về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc tuyên phạt Lánh ba năm tù cho hưởng án treo là chưa phù hợp với tính chất và hậu quả do bị cáo gây ra.
Kháng nghị phân tích, khi xảy ra mâu thuẫn với Lánh, Nhân nhờ Toàn đến đánh trả thù. Khi đi, Toàn nhờ Thông chở nhưng không nói là đi đâu, làm gì. Khi Toàn chạy vào nhà Nhân đánh Lánh thì Thông không có hành động gì nhưng Lánh đã vô cớ dùng cây đánh vào đầu (vùng trọng yếu trên cơ thể) của Thông gây thương tích 38%.
Tòa sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ và tuyên phạt Lánh bốn năm tù là đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Cấp phúc thẩm quá nhấn mạnh các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo và áp dụng thêm điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân) là không đúng.
Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo ba năm tù nhưng cho hưởng án treo là không đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi nguy hiểm của bị cáo gây ra, không đủ răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Việc này vi phạm điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo. Theo đó, tòa không tùy tiện giảm mức hình phạt tù không có căn cứ để đủ điều kiện về mức hình phạt tù quy định tại Điều 60 của BLHS và cho hưởng án treo.
Từ đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị TAND cùng cấp hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa về phần hình phạt đối với bị cáo Lánh.