‘Tuýt còi’ văn bản về đất đai của Tây Ninh

Ngày 20-12-2019, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp) ban hành kết luận kiểm tra đối với Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh Tây Ninh. Quyết định số 15 này quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 15 nói trên UBND tỉnh Tây Ninh quy định về điều kiện tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng là đất ở để xây dựng nhà ở. Nội dung quy định như sau:

- Đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500 m2: Trường hợp các thửa đất đề nghị tách thửa không tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đấu nối đường giao thông hiện hữu trước khi thực hiện thủ tục tách thửa.

- Đối với thửa đất có diện tích từ 500 m2 đến 2.000 m2: Người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đấu nối đường giao thông hiện hữu trước khi thực hiện thủ tục tách thửa.

- Đối với thửa đất có diện tích trên 2.000 m2: Người sử dụng đất phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có) và các quy định khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục tách thửa đất.

Theo kết luận của Cục Kiểm tra VBQPPL, tại Điều 9 Thông tư số 24/2014 ngày 19-5-2014 của Bộ TN&MT quy định về hồ sơ địa chính thì người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc nộp thửa đất chỉ phải nộp hai loại giấy tờ là đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa và bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014 thì một số thủ tục hoặc tài liệu khác do cơ quan nhà nước thực hiện.

Như vậy, theo Cục Kiểm tra VBQPPL, việc yêu cầu người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối đường giao thông hiện hữu… trước khi thực hiện thủ tục tách thửa là không phù hợp với Thông tư số 24/2014, tăng thêm chi phí thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân.

Ngoài ra, liên quan đến việc lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể, Điều 8 Quyết định 15 của UBND tỉnh Tây Ninh quy định thủ tục hành chính phê duyệt bản vẽ thiết kế  mặt bằng tổng thể là không đúng thẩm quyền. Điều này vi phạm quy định tại Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL 2015.

Vì vậy, Cục Kiểm tra VBQPPL kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh khẩn trương xử lý những nội dung không phù hợp của Quyết định 15 nói trên. Tỉnh cần rà soát quá trình thực hiện quyết định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định không phù hợp nêu trên gây ra (nếu có).

Ngoài ra, Cục đề nghị tỉnh cần xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản. Cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh phải thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra VBQPPL trong thời hạn 30 ngày.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ… 7.692 văn bản

Báo cáo của Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp cho biết: Năm 2019, toàn ngành kiểm tra VBQPPL đã rà soát được 40.304 VBQPPL (giảm gần 11% so với năm 2018). Qua đó, ngành đã kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) 7.692 văn bản.

Năm nay, số văn bản đã kiểm tra theo thẩm quyền tại cấp tỉnh, cấp huyện là 14.404 VBQPPL (giảm hơn 21% so với năm 2018). Qua kiểm tra, bước đầu ngành phát hiện 339 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỉ lệ 2,35% trên tổng số văn bản được kiểm tra).

Riêng tại Bộ Tư pháp, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 4.885 VBQPPL (giảm 11%); qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành và văn bản không phải VBQPPL nhưng có chứa QPPL (gồm 13 văn bản của cấp bộ, 152 văn bản của địa phương). Đến nay đã có 69/165 văn bản được cơ quan ban hành xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm