U-21 Việt Nam đa phần cầu thủ tập trung từ nhiều CLB, trình độ lại không đồng đều nên việc đòi hỏi một đội hình chất lượng chẳng khác nào đánh đố HLV Phạm Minh Đức. Đội chủ giải thiếu hẳn một nhạc trưởng đủ sức dẫn dắt và điều chỉnh thế trận.
Ở hàng thủ, sự ra vào thiếu hợp lý của thủ môn Hoàng Văn Hùng, cùng các pha truy cản lúng túng, thiếu khôn ngoan của Văn Đại, Đàm Tiến Dũng, Viết Triều luôn đặt hàng thủ vào tình trạng báo động. Suốt trận đấu, thay cho những tràng pháo tay tán thưởng là những tiếng à, ồ của khán giả chỉ vì các cầu thủ U-21 Việt Nam chuyền sai địa chỉ quá nhiều.
U-21 Thái Lan lội ngược dòng thắng đậm 3-1 vào chung kết. Ảnh: ĐỨC HUY
Trong khi đó lứa cầu thủ “lọt sàng xuống nia” từ lứa U-23 Thái Lan tỏ ra vượt trội hẳn U-21 Việt Nam về mọi mặt. Từ kỹ năng cơ bản, kinh nghiệm trận mạc lẫn tâm lý vững như bàn thạch mặc dù đang thi đấu trên sân khách. Liệt kê bấy nhiêu để thấy độ chênh giữa hai nền bóng đá còn quá lớn.
Điểm sáng duy nhất ở trận bán kết hai là pha đánh đầu cận thành mở tỉ số 1-0 (phút thứ ba) của tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng. Sau đó, hàng thủ U-21 Việt Nam liên tiếp phải nhận các bàn thua lần lượt do Samphaodi (phút 14), Haiprakhon (phút 31), Sanmahung (phút 54) lập công.
Giành chiến thắng ngược dòng 3-1 ngoạn mục, U-21 Thái Lan tranh chức vô địch với U-21 Yokohama. Trận chung kết diễn ra lúc 18 giờ ngày 27-12. Trước đó vào lúc 15 giờ 30, U-21 HA Gia Lai đá trận tranh hạng ba cùng U-21 Việt Nam.
Vì sao U-21 Việt Nam không tập trung được lực lượng mạnh nhất? Do giải U-21 quốc tế phải tránh AFF Cup nên có độ chênh rất lớn sau giải U-21 toàn quốc. Vì thế mà đội tuyển U-21 Việt Nam đến khi tập trung đá giải thì cận V-League nên nhiều CLB không nhả quân. Chính vì thế mà nhiều cầu thủ U-19 trở về từ giải châu Á đã phải thế vai khoác áo U-21. Thầy mới, trò không phải tuyển chọn từ giải chính nên sức mạnh đội U-21 Việt Nam giảm sút rất nhiều cả về chuyên môn lẫn tinh thần. NH |